Tìm thị trường ngách, làm hàng giá thấp nhưng số lượng lớn, sắp xếp lao động để tăng công suất… giúp các nhà máy đứng vững trước “cơn bão” sụt đơn hàng.
Sau Tết, Công ty giày Chang Shuen ở Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp (Bình Dương), gấp rút tuyển thêm 250 công nhân để đáp ứng tiến độ đơn hàng. Sau khi đơn hàng đi châu Âu sụt giảm đến 70%, ban giám đốc nhanh chóng chuyển hướng sang Mỹ, thị trường mà gần chục năm qua doanh nghiệp không mặn mà.
Theo ông Đoàn Sỹ Lợi, Giám đốc điều hành Chang Shuen, cùng một mẫu sản phẩm đơn giá đi Mỹ luôn thấp hơn châu Âu ít nhất 15%. Khi gia công cho khách hàng châu Âu, mỗi ngày nhà máy chỉ cần làm 5.000 đôi giày là đủ chi phí và có lời, giờ đây khi đổi thị trường công suất phải nâng lên 6.000-6.500 đôi, tức tăng 25-30%.
Công nhân Chang Shuen trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương
“Trong lúc khó khăn mình phải chấp nhận làm nhiều hơn để lấy công làm lời”, ông Lợi nói. Ưu thế của đơn hàng đi Mỹ là số lượng lớn. Trước đây một mã hàng đi châu Âu chỉ sản xuất tối đa 10.000 đôi giày là kết thúc, toàn bộ công nhân phải chuyển sang mẫu mới. Tuy nhiên đơn hàng đi Mỹ số lượng có thể gấp 5-10 lần. Công nhân không mất thời gian chuyển đổi nên quen tay, việc đẩy nhanh sản lượng cũng dễ hơn. Cho nên dù đơn giá thấp, lao động chịu làm, biết cách sắp xếp sản xuất, lợi nhuận vẫn có.
Theo ông Lợi, chấp nhận thị trường mới gặp nhiều thách thức nhưng bù lại đơn hàng được lấp đầy. Hơn 1.000 lao động của nhà máy có việc làm ổn định, tăng ca đều đảm bảo thu nhập.
Tương tự, Công ty cổ phần quốc tế Dony (TP HCM), hoạt động trong lĩnh vực may mặc, có đơn hàng ổn định đến hết tháng 9, tăng 120% so với năm ngoái. Ngay sau Tết, công ty tuyển thêm công nhân để đảm bảo tiến độ sản suất.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Dony, cho biết từ cuối năm ngoái đã sang Trung Đông gặp gỡ đối tác vốn là nhà cung cấp hàng sỉ cho các mối lớn. Sau nhiều ngày cùng khách hàng đi tìm hiểu thị trường đã giúp ông vỡ ra nhiều điều.
Đối tác của Dony là một “siêu bán sỉ” cần hàng chất lượng nhưng giá cạnh tranh nhất. Khi có được giá tốt nhất họ sẵn sàng đặt số lượng lớn, thời gian giao hàng kéo dài trong 1-2 năm. Sau chuyến công tác, ông Quang Anh về nước tìm gặp các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, đề nghị hợp tác lâu dài, giá bán ưu đãi.
“Khi có được cái gật đầu của nhà cung cấp, tôi đưa ra được mức giá thấp hơn trước. Ngay lập tức họ đồng ý tăng số lượng đặt hàng lên 300%”, ông Quang Anh nói. Điều quan trọng, thời gian giao hàng kéo dài nên nhà máy chủ động được thời gian sản xuất.
Trước đây, với các đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá cao nhưng thời gian giao hàng ngắn, nhà máy rất bị động. Không ít lần phải mua nguyên phụ liệu giá cao. Để kịp tiến độ, công nhân phải tăng ca khiến chi phí nhân công tăng hoặc tuyển lao động thời vụ tay nghề kém, thường xuyên hư hàng. Do đó, hiện nay dù đơn hàng giá thấp nhưng số lượng lớn, nhà máy sẽ chủ động hơn, tiết kiệm được chi phí và biến thành lợi nhuận.
“Cách vận hành giống như xe ôm công nghệ và truyền thống”, ông Quang Anh so sánh và giải thích một cuốc xe ôm truyền thống giá rất cao nhưng cả ngày nhiều khi có 1-2 chuyến, đưa khách đến điểm đến, sau đó quay xe không trở về. Trong khi xe ôm công nghệ giá cước thấp nhưng xe chạy liên tục, không bị “trống chuyền” nên số tổng thu nhập tốt hơn.
Ông Quang Anh mời đối tác (áo xanh đen) đến xưởng sản xuất của Dony để tìm hiểu. Ảnh: An Phương
Ngoài ra, lãnh đạo Công ty Dony cũng cho rằng, việc giữ mối liên hệ thân thiết và chân tình với đối tác cũng là một cách để giữ được ưu tiên đơn hàng khi suy thoái chung. Công ty cũng giữ thị trường truyền thống là sản xuất đồng phục, mở rộng thêm bộ phận thiết kế, làm hàng mẫu để giới thiệu cho khách thay vì bị động chờ hàng về gia công. Chính sự nỗ lực không mệt mỏi của ban giám đốc, công nhân may của Dony đã đảm bảo thu nhập 11-15 triệu đồng mỗi tháng.
Giày Chang Shuen, May Dony là những nhà máy đã xoay xở nhiều cách để tìm được đơn hàng mới, bù đắp cho số thiếu hụt vì suy thoái chung. Ông Phạm Xuân Hùng, Chủ tịch Hội may thêu đan TP HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp còn tìm các thị trường ngách, đối tác mới để tạo việc làm cho lao động. Nhiều công phát triển thêm mảng sản xuất xanh, bền vững, nghiên cứu vải từ vật liệu tái chế, hướng đến phân khúc cao cấp, khách hàng khó tính. Doanh nghiệp “có duyên” thì tìm được khách hàng mới, đơn hàng được cải thiện.
“Tình hình chung hiện nay vẫn khó. Doanh nghiệp có được đơn hàng thì mừng bởi lúc này duy trì việc làm, giữ lao động là quan trọng”, ông Hồng nói. Các nhà máy quy mô nhỏ, ít lao động sẽ dễ xoay xở hơn các công ty vài nghìn người. Tuy nhiên, ghi nhận từ hội, từ quý 2, đơn hàng được cải thiện phần nào. Nhiều công ty đã giảm số ngày nghỉ trong tuần, chỉ nghỉ thứ 7 hoặc không tăng ca, lao động vẫn đảm bảo được lương cơ bản. Lãnh đạo Hội may thêu đan thành phố dự báo đến cuối quý 3 đơn hàng sẽ phục hồi với mức tốt nhất 90% công suất.
Theo Phó giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM Nguyễn Văn Lâm, qua nắm bắt từ các hiệp hội, tình hình chung đơn hàng sản xuất khó khăn đến tháng 7. Tuy nhiên, vẫn có những nhà máy xoay xở tìm được đơn hàng để duy trì việc làm cho công nhân. Đối với ngành lao động, đây là điều rất đáng quý vì góp phần ổn định quan hệ lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc trên địa bàn. Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố đang phối hợp với các hiệp hội để giới thiệu nguồn nhân lực khi các nhà máy có đơn hàng.
Lê Tuyết