Các đại học Mỹ tìm kiếm ứng viên toàn diện, cả về học thuật lẫn hoạt động ngoại khóa, ứng viên cần thể hiện niềm đam mê và sự kết nối giữa hai tiêu chí này.
Các học sinh trúng tuyển đại học nhóm Ivy League, top 20 Mỹ, Canada năm nay vừa có buổi chia sẻ định hướng du học, kinh nghiệm chọn ngành và chuẩn bị hồ sơ tại Ngày hội du học Mỹ, Canada, Anh và Australia ở Hà Nội, chiều 9/4.
Trần Đình Dũng, cựu học sinh chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, quyết định du học khá muộn. Chàng trai vừa đỗ Đại học Darmouth, ngôi trường trong nhóm 8 đại học danh giá nước Mỹ, cho hay trước đó, bố mẹ cũng muốn em du học nhưng ở bậc thạc sĩ.
Tuy nhiên, trong ba năm cấp 3, Dũng gặt hái nhiều thành tích ở môn Vật lý khi đạt giải ba thi học sinh giỏi quốc gia, huy chương vàng Olympic quốc tế về Thiên văn và Vật lý thiên văn (IOAA) và huy chương bạc Olympic quốc tế về đô thị (IMO). Đến học kỳ 2 lớp 12, em và gia đình mới quyết du học. Dũng gap year một năm để chuẩn bị hồ sơ đầy đủ hơn. Trong thời gian này, nam sinh làm cố vấn cho đội tuyển Olympic quốc gia, tham gia nghiên cứu ở một trường đại học và làm một số dự án cá nhân, hỗ trợ trẻ em vùng khó khăn.
Dũng nhìn nhận điểm mạnh trong hồ sơ của em là những thành tích đạt được cùng các hoạt động học thuật, ngoại khóa. Chủ đề chung trong bài luận và hoạt động em tham gia đều liên quan đến lĩnh vực Vật lý, Thiên văn và sự liên hệ của hai bộ môn này với đời sống.
“Điều đó làm bộ hồ sơ của em nổi bật hơn, đồng thời cho trường thấy em có đam mê mãnh liệt với cả hai bộ môn này”, Dũng chia sẻ, cho biết đã có định hướng về điều này khi quyết định theo đuổi các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học).
Theo Dũng, khi học sinh chưa xác định được đam mê, phụ huynh nên cho con tiếp cận với nhiều kỳ thi hoặc các hoạt động liên quan đến nhiều môn học. Nhờ đó, học sinh có thể có thêm kiến thức và được tiếp xúc với ngành đó trong thực tế nhiều hơn, hỗ trợ việc xây dựng hồ sơ ngoại khóa liên quan chuyên ngành muốn học.
Học sinh tham gia nghiên cứu cũng là một lợi thế, theo Dũng. Nam sinh nhận định các trường đại học trên thế giới luôn đánh giá các công trình nghiên cứu một cách nghiêm túc. Hoạt động này cũng thể hiện rõ sự hứng thú của ứng viên với ngành học và cách áp dụng kiến thức vào thực tế.
Ngoài ra, Dũng cho rằng các đại học hàng đầu luôn tìm kiếm những học sinh toàn diện, không chỉ giỏi duy nhất một môn. Vì thế, các ứng viên nên tìm hiểu thêm một số lĩnh vực khác ngoài chuyên môn, có thể là hát, đàn, vẽ hay thể thao.
“Nếu có thể dùng đam mê đấy lan tỏa tới nhiều người thì chắc chắn bộ hồ sơ sẽ sáng giá hơn hẳn”, Dũng nói. Nam sinh sẽ đến Mỹ vào mùa thu tới với mức hỗ trợ tài chính khoảng 65.000 USD (1,5 tỷ đồng) mỗi năm.
Học sinh chia sẻ cách chọn ngành và chuẩn bị hồ sơ du học tại Ngày hội du học Mỹ, Canada, Anh, Australia, hôm 9/4. Ảnh: Bình Minh
Học cùng trường với Dũng, Trương Vi Thảo nói làm nổi bật hồ sơ bằng hành trình khám phá bản thân của một cô gái dân tộc thiểu số và nỗ lực đóng góp cho cộng đồng của mình. Trước đó, Thảo đã tìm hiểu những học bổng có liên quan để ứng tuyển.
Nữ sinh giành học bổng Chancellor của Đại học Vanderbilt (xếp thứ 13 nước Mỹ). Hồ sơ của Thảo nêu bật các hoạt động ngoại khóa mà em tham gia tại nhiều tổ chức lớn chuyên phát triển giáo dục cho các cộng đồng thiểu số. Em cũng có dự án riêng dành cho thanh niên người dân tộc. Trong bài luận, Thảo thể hiện mong muốn làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, tiếp tục phát triển các dự án này, không chỉ ở Việt Nam mà toàn cầu.
“Học bổng Chancellor dành cho những học sinh đã có những đóng góp lớn trong việc xây dựng những cộng đồng thiểu số và hồ sơ của em tập trung vào phần đó. Em nghĩ đó là lý do trường thấy em phù hợp”, Thảo cho hay.
Theo các học sinh, ba năm trung học là khoảng thời gian mỗi cá nhân xác định hướng đi, biết đam mê của mình là gì. Trong đó, việc chuẩn bị bắt đầu từ lớp 10 là phù hợp.
Lương Anh Khánh Huyền, lớp 12, trường Quốc tế Concordia, trúng tuyển trường Kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania (Ivy League) hồi cuối năm ngoái. Theo xếp hạng US news, đây là trường kinh doanh số 1 thế giới hiện nay.
Khánh Huyền cho biết gia đình có truyền thống kinh doanh từ đời bà ngoại, em sớm được làm quen, thậm chí đi theo bà, bố mẹ trong các cuộc đàm phán hợp đồng. Trong những bữa ăn của gia đình, chủ đề về kinh doanh cũng luôn được nhắc tới.
“Em bắt đầu đọc sách về kinh tế và rất thích khởi nghiệp. Em cũng thể hiện mong muốn này xuyên suốt bộ hồ sơ du học”, Huyền cho biết. Trước khi xác định du học ngành kinh doanh, Huyền tham khảo các mốc thời gian chuẩn bị của anh, chị đi trước.
Theo Huyền, năm lớp 10, việc học hành chưa quá căng thẳng nên em dành phần lớn thời gian để tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Đến năm lớp 11, nữ sinh chỉ tập trung vào 2-3 hoạt động để chắc chắn hơn về lựa chọn của mình. Ngoài ra, Huyền tập trung duy trì điểm số trên lớp.
Lớp 12 theo Huyền là thời điểm các ứng viên hoàn thiện nốt những gì cần thiết cho bộ hồ sơ, gồm bài luận, thư mời và các chứng chỉ chuẩn hóa, tốt nhất từ đầu năm học.
Bùi Tú Uyên và Lương Anh Khánh Huyền (phải) – hai nữ sinh trúng tuyển nhiều đại học top đầu Mỹ trong kỳ xét tuyển sớm năm 2023. Ảnh: Summit
Theo bà Lê Diệu Linh, Phó giám đốc Tổ chức Giáo dục Summit, hầu hết các trường lựa chọn ứng viên toàn diện, cả về học thuật lẫn hoạt động ngoại khóa.
Điểm chuẩn hóa và điểm học tập là phần quan trọng nhưng ứng viên cũng cần tìm cho mình một điểm nhấn, đam mê rõ ràng. Đây là yếu tố góp phần quan trọng để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh vào trường top đầu.
“Xu hướng đào tạo hiện nay của nhiều trường ở Mỹ cũng như trường top trên thế giới là giáo dục liên ngành. Ranh giới giữa các ngành hiện không quá xa nhau nữa nên việc giáo dục toàn diện từ sớm và có một vài sở thích khác nhau sẽ giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn với mọi thứ”, bà Linh nói.
Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt vào các trường top đầu, bà Linh gợi ý phụ huynh và học sinh cân nhắc lựa chọn thêm những trường đại học khai phóng chất lượng cao. Đây là những đại học có quy mô nhỏ, thiên về phát triển kiến thức nền tảng và các kỹ năng có thể thay đổi linh hoạt.
Bình Minh