Đã từng là cử nhân ngành Ấn Độ học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhưng hiện tại Lê Hải Thùy Trang (25 tuổi) là trợ lý kinh doanh của công ty chuyên về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, và các công việc trước đây của cô nàng cũng hoàn toàn không liên quan đến ngành học.
“Với chuyên ngành, mình có thể làm biên – phiên dịch, nghiên cứu văn hóa, làm việc cho các tổ chức phi chính phủ hoặc lãnh sự quán. Nhưng khi học đại học, mình cảm thấy chỉ cần hiểu và biết áp dụng những kiến thức nền, kinh nghiệm sống đó trong các công việc thì hoàn toàn có thể làm trái ngành”, Thùy Trang cho biết.
Người trẻ cần phải tìm hiểu và có kiến thức về công việc trái ngành để thuận lợi hơn khi được phỏng vấn
Theo Thùy Trang, không phải cứ muốn xin việc trái ngành là được, bởi mỗi môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao mà chưa kể đến là những ứng viên học đúng ngành có tỷ lệ được chọn cao hơn.
“Khi trả lời phỏng vấn xin việc, ngoài những kinh nghiệm kinh doanh mà mình có được khi đi làm thêm, thì kiến thức về văn hóa giao tiếp hay điểm văn hóa ảnh hưởng thế nào đến thị trường cũng là lợi thế để mình thành công trong trả lời phỏng vấn xin việc trái ngành”, Trang bày tỏ.
Người trẻ tìm việc ra sao khi biết bản thân trái ngành
Đã có hơn 18 năm làm việc ở lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, bà Vũ Thùy Như Linh, Phó tổng giám đốc HR1Tech, chia sẻ một số kinh nghiệm khi phỏng vấn tìm việc trái ngành như sau: “Khi gặp những ứng viên tìm việc làm trái ngành, thường nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi dựa vào xuất phát điểm của ứng viên đó trước để xem bạn đó có gì, những môn học nào bạn giỏi, việc bồi dưỡng thông tin hằng ngày thực tế từ sách báo ra sao và mong đợi về định hướng lâu dài. Ngoài ra, ở công việc trái ngành mà bạn tìm thì đã từng có cơ hội tiếp xúc hay trải nghiệm chưa, vì nhà tuyển dụng không thể đánh liều cho người không biết gì vào thử việc được”.
Việc làm đúng hay trái ngành không quan trọng, mà người trẻ cần đặt ra mục tiêu rõ ràng cho con đường sự nghiệp
Bà Linh cũng cho biết nếu người trẻ đã xác định làm trái ngành thì đừng lo sợ sẽ không làm được hay bị cạnh tranh mà hãy suy nghĩ về giá trị mình tạo ra cho công việc đó rồi từ từ sẽ có niềm yêu thích.
“Dĩ nhiên là phải bồi đắp thêm kiến thức để từng bước đạt được mục tiêu chứ không phải chỉ dựa vào đúng một tấm bằng đại học mà không bổ sung gì hết rồi đi xin việc kiểu “rải tờ rơi” là không nên”, chuyên gia này cho hay.