Các chương trình mục tiêu quốc gia phát huy hiệu quả tích cực


Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hệ thống đường giao thông ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã được “cứng hóa” đảm bảo đi lại thuận tiện. Ảnh: Bích Nguyên

Hơn 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thu Lũm vốn là xã biên giới xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu. Địa hình chia cắt lớn bởi nhiều núi cao, đất sản xuất manh mún, khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn. Cùng với đó, tình trạng dân trí thấp, sản xuất kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, trong khi cơ sở hạ tầng hạn chế tạo nhiều rào cản trong việc phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương này.

Mọi sự đổi thay bắt đầu từ khi Thu Lũm được thụ hưởng vốn đầu tư từ các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước kết hợp với sự đóng góp của người dân, đến năm 2020, đường liên xã dài hơn 44km của xã Thu Lũm đã được cứng hóa 100%; đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. Các tuyến đường trục bản, liên bản, đường ngõ cũng được cứng hóa. Điện lưới quốc gia được kéo tới các thôn, bản của toàn xã. Hệ thống trường, trạm ở Thu Lũm cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Cùng với đó, các công trình thủy lợi và cơ sở hạ tầng khác được đầu tư xây dựng cơ bản, giúp cho Thu Lũm có diện mạo hoàn toàn khác so với trước đây.

Thực hiện các tiêu chí về thu nhập, phát triển sản xuất, giảm tỉ lệ hộ nghèo, căn cứ điều kiện thực tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã Thu Lũm đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; tích cực đưa giống cây trồng có giá trị kinh tế, chất lượng cao vào sản xuất. Ông Lỳ Pó Chừ, Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm cho biết, bằng các nguồn vốn, xã Thu Lũm đã mở rộng diện tích trồng các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao như sa nhân tím, thất diệp chi hoa, mắc ca, sả, thảo quả…

Đến năm 2020, xã Thu Lũm đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ở thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 36,02 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 95,04%. Tỉ lệ hộ nghèo còn 11,9%. 100% cán bộ xã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Hiện, đời sống của người dân xã Thu Lũm khởi sắc hơn rất nhiều so với trước kia.

Kết quả phát triển kinh tế – xã hội của xã Thu Lũm đã đóng góp chung vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến hết năm 2022, cả nước có 6.001 xã đạt chuẩn NTM, đạt hơn 73%, tăng 4,4% so với cuối năm 2021. Trong đó, có 958 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 111 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 42 đơn vị so với cuối năm 2021, chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Hiện, 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, có gần 4.600 chủ thể OCOP và có hơn 8.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Sản phẩm OCOP tiếp tục khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, ước tính tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 – 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 – 5%/năm.


Trong thời gian qua, hàng ngàn dự án phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã được hỗ trợ vốn để triển khai. Ảnh: Bích Nguyên

Kết quả thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó: tỷ lệ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35%, có 7 địa phương đã ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, cao hơn chuẩn nghèo quốc gia (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, cả nước đã đầu tư 1.068 công trình về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế cho các huyện nghèo, 182 công trình cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Đồng thời, hỗ trợ thực hiện 525 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất giảm nghèo; hơn 500 dự án phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị cho khoảng 15.000 người.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đào tạo kỹ năng nghề cho khoảng 65.000 người nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo; hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài cho khoảng 1.000 người lao động; hỗ trợ tìm việc làm cho 20.000 người lao động vùng nghèo, vùng khó khăn…

Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới, lần đầu tiên thực hiện, thời gian triển khai ngắn, nên trong năm 2022, các địa phương mới cơ bản hoàn thành công tác kiện toàn bộ máy tổ chức, ban hành kế hoạch, xây dựng văn bản quản lý, điều hành và bắt đầu triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án thuộc chương trình.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phấn đấu giải ngân được khoảng gần 75.000 tỷ đồng ngân sách trung ương năm 2023, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương để tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình tại các cấp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đã được giao trong năm 2023. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương phải quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

An Nhiên