06/06/2023 22:56
(PLVN) – Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội và lĩnh vực dân tộc diễn ra hôm nay (6/6), các đại biểu đánh giá các Bộ trưởng đã không né tránh, đi vào vấn đề một cách thẳng thắn. Tuy nhiên, các Bộ trưởng cần làm rõ thêm một số giải pháp để có thể giải quyết tốt vấn đề đặt ra.
Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), về những giải pháp hữu hiệu, căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) giai đoạn hiện nay thì Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chưa đưa ra được những giải pháp thuyết phục người dân, NLĐ.
Thời gian tới, Bộ cần có sự phối hợp nhịp nhàng, rốt ráo với chính quyền địa phương, NLĐ và doanh nghiệp để đánh giá, tìm ra nguyên nhân của tình trạng này và nhiệm vụ cốt lõi là vực dậy nền kinh tế, vực dậy doanh nghiệp đang ngưng việc hoặc rút khỏi thị trường lao động, thị trường sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp tái khởi động lại hoặc thành lập doanh nghiệp mới thì mới thu hút được lao động, tạo ra việc làm mới.
Muốn như vậy, Bộ LĐ-TB&XH phải tham mưu cho Chính phủ, Chính phủ phải có những động thái rất quyết liệt để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tạo quỹ đất, đồng hành cùng doanh nghiệp tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm…, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, những NLĐ ngưng việc, thất nghiệp hiện nay cũng đang rất cần được bảo đảm chế độ, chính sách như đóng/nhận tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) bởi thời gian qua có nhiều NLĐ phải “bán lúa non” – bán sổ BHXH của mình cho các đối tượng khác để có tiền chi tiêu sinh hoạt. Đây là một vấn đề cần Nhà nước có biện pháp khắc phục kịp thời, giúp NLĐ được hưởng chế độ, chính sách sau khi bị mất việc.
Trong khi đó, ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) đánh giá, tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi trọng tâm, ngắn gọn, súc tích và đúng với gợi ý của Ủy ban Thường vụ QH khi giao nhiệm vụ cho ngành LĐ-TB&XH trả lời chất vấn. Bộ trưởng là một trong những thành viên Chính phủ kỳ cựu, nội dung trả lời của Bộ trưởng có trọng tâm, trọng điểm, không né tránh, đi vào vấn đề một cách thẳng thắn, tạo sự hài lòng đối với ĐB. Tại nghị trường, sự trả lời của Bộ trưởng không tạo nên sự tranh luận, tỷ lệ hài lòng của ĐB với Bộ trưởng gần như là tối đa.
ĐB Minh rất quan tâm đến vấn đề lao động – việc làm bởi đây là 1 trong 15 chỉ tiêu mà chúng ta đang chưa đạt được. Theo ĐB, tại phiên chất vấn, nhiều ĐB đã xoáy sâu vào vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới là trách nhiệm giữa ngành LĐ-TB&XH và ngành Giáo dục phải nhận định một cách rõ ràng hơn nữa, phân định luồng trong học sinh để các trường đào tạo nghề hút người học, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thực sự có hiệu quả, đặc biệt tránh lãng phí nguồn lực đào tạo, đào tạo xong phải được sử dụng… ĐB tin tưởng rằng Bộ trưởng đã hứa trước QH thì sẽ có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, ĐB Phúc Bình Niê Kdăm (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã có nghiên cứu kỹ càng, chuẩn bị tốt cho phiên trả lời chất vấn trước QH, do đó câu trả lời của Bộ trưởng tương đối cụ thể. Chủ nhiệm, Bộ trưởng đã trả lời cho tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương khác trong cả nước về giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Tôi hy vọng trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục ban hành hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện tốt nhất 3 Chương trình mục tiêu quốc gia” – ĐB đoàn Đắk Lắk kỳ vọng.
ĐB Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cũng nhận xét, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trả lời đi thẳng vào vấn đề, thể hiện sự bao quát lĩnh vực quản lý. Phần trả lời của Bộ trưởng cũng cho thấy trách nhiệm của Bộ trưởng trước cử tri, nhân dân và đại biểu QH khi đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh những kết quả tích cực, qua phiên chất vấn, các ĐBQH cũng đã nêu ra các bất cập, tồn tại và Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận việc này. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đã không né tránh, nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và giải pháp thời gian tới. Tuy nhiên, để khắc phục các bất cập này, sau phiên chất vấn, Bộ trưởng cần có các giải pháp cụ thể, chủ động và quyết liệt hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế, đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.