03/06/2023 05:48
(PLVN) – Xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết chúng ta sẽ xác định giảm số lượng tàu cá, hướng đến khai thác thủy sản một cách bền vững trên biển.
Những năm qua, ngành thủy sản là ngành nghề quan trọng với nền kinh tế nói chung, với cả triệu hộ ngư dân nói riêng. Theo thống kê, năm 2022, tổng sản lượng thủy sản hơn 9 triệu tấn, trong đó khai thác 3,86 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD.
Toàn quốc hiện có hơn 90.000 tàu cá, là số lượng lớn ít nước có. Đội tàu cá không chỉ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, giải quyết việc làm cho 800 ngàn lao động trực tiếp trên biển và 4 triệu lao động dịch vụ hậu cần kèm theo. Tuy nhiên nền ngư nghiệp của ta vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, cần cấu trúc lại để phát triển bền vững hơn.
Và cũng phải thừa nhận thực trạng trữ lượng cá trong vùng biển Việt Nam suy giảm do nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu, chất ô nhiễm đổ ra đại dương, một số ngư dân vẫn áp dụng cách đánh bắt “tận diệt” như nổ mìn hoặc vứt lưới đánh cá trên biển làm bị thương và chết nhiều sinh vật biển. Khi nguồn càng cạn kiệt sẽ càng kích thích tâm lý một số ngư dân khai thác nhiều hơn, bởi sợ rằng “biển sắp hết cá”. Tốc độ khai thác sẽ nhanh hơn gấp nhiều lần tốc độ sinh sản và tái sinh các loại hải sản.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thẳng thắn chia sẻ: “Tôi từng đến nhiều địa phương ven biển, chính bà con ngư dân chia sẻ nếu cứ khai thác kiểu này thì thế hệ con cháu không còn gì để ăn. Nghĩa là ngư dân cảm nhận được hậu quả của khai thác lạc hậu, tận diệt hiện nay, nhưng không biết làm nghề gì khác ngoài nghề đi biển mà ông cha để lại”.
Ngay từ 2017, Việt Nam đã bị Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” vì không tuân thủ Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) 2017. Điều này đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, DN mất nhiều chi phí phát sinh hơn.
Vì vậy, Bộ NN&NTNT đặt mục tiêu đến 2030 Việt Nam sẽ còn khoảng 83.000 tàu cá.
Vấn đề nằm ở chỗ lộ trình giảm số tàu cá ra sao và ngư dân sẽ chuyển đổi nghề nghiệp thế nào. Theo Bộ NN&PTNT, trước tiên phải đưa ra những khuyến cáo, sau đó quy định nghiêm cấm đánh bắt tại những vùng biển nhất định, như vùng ven bờ là nơi cá sinh sản, phát triển. Tiếp đó sẽ thống kê những nhóm đang khai thác ở vùng biển cần bảo tồn để ưu tiên chuyển đổi nghề trước. Những người này sẽ được hỗ trợ để chuyển sang nuôi trồng thủy sản trên bờ, ven bờ với quy mô hợp tác xã. Bà con cũng có thể sẽ được hỗ trợ chuyển sang các nghề khác như làm du lịch biển. Địa phương sẽ tổ chức mô hình, tập huấn, đào tạo nghề, có chính sách hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp. Các DN sẽ được kêu gọi đầu tư lớn vào những ngành nghề chuyển đổi để bà con yên tâm tham gia.
Một vấn đề nữa, giảm số lượng tàu để nâng cao chất lượng đội ngũ ngư dân. Nghĩa là cần tinh chứ không cần đa; hướng đến hình thành những nghiệp đoàn nghề cá trên biển với những tàu lớn, công nghệ trang thiết bị hiện đại, đủ sức chống chịu thiên nhiên và những bất trắc khác trên biển.
Vấn đề rất lớn, liên quan sinh kế hàng triệu người, nhưng nếu các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương thực hiện được đúng những lộ trình nêu trên, thì chắc chắn các mục tiêu sẽ đạt được, hài hòa lợi ích sinh kế người dân – bảo vệ môi trường – phù hợp xu thế tất yếu của thế giới – bảo tồn tôm, cá cho con cháu.