22/03/2023 23:21
(PLVN) – UBND tỉnh Cà Mau vừa thông qua Kế hoạch triển khai Đề án đưa người lao động tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2022 – 2025.
Theo đó, Cà Mau sẽ tổ chức đưa 1.900 Lao động đi làm việc có thời hạn tại các nước và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Đài Loan (Trung Quốc)…
Riêng năm 2023, UBND tỉnh phấn đấu đưa khoảng 400 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Kinh phí để triển khai Đề án dự kiến gần 237 tỷ đồng, trong đó Ngân sách trung ương hỗ trợ 104 tỷ đồng, ngân sách địa phương 133 tỷ đồng. Riêng năm 2023 dự kiến 50 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Cà Mau sẽ chi gần 28 tỷ, ngân sách trung ương hỗ trợ 22 tỷ đồng.
Người lao động tỉnh Cà Mau khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ chi phí ban đầu tối đa 13,8 triệu đồng và được cho vay vốn làm chi phí xuất cảnh tối đa 110 triệu đồng, hình thức vay được ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, giải ngân theo nhu cầu vay vốn thực tế phát sinh của người vay, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Cà Mau tổ chức đào tạo và đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Minh Luân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2022 – 2025 nhằm giải quyết việc làm cho nguồn lao động của tỉnh, đặc biệt là lực lượng thanh niên, giúp người lao động tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tỉnh tiết kiệm được chi phí đầu tư liên quan đến công tác giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, mở rộng ngoại giao, thắt chặt mối quan hệ hợp tác trong thời kỳ hội nhập. Tạo được nguồn lao động tay nghề cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tiếp thu được những công nghệ tiên tiến, tác phong làm việc công nghiệp; khi về nước, đây là lực lượng nòng cốt, là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh. Ngoài ra, với số tiền tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động không chỉ vượt qua khó khăn hiện tại mà còn có khả năng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động khác trong tương lai”, ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh.
Bà Quách Thanh Thoảng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau) cho biết: “Đơn vị thường xuyên chủ động tham mưu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cập nhật các quy định, thông tin, chính sách của Trung ương và địa phương liên quan đến lĩnh vực đưa người Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các chính sách liên quan đến hỗ trợ người Lao động khi tham gia Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2022 – 2025. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những tác động tích cực của việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…”.
Đồng thời, chế biến thủy sản là ngành giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại tỉnh Cà Mau.
Theo Kế hoạch, năm 2023, tỉnh Cà Mau, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực đầu với xuất khẩu lao động. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu lao động được liên kết đào tạo nhằm giảm chi phí, phù hợp với vị trí tuyển dụng, tạo điều kiện cho người lao động tham gia học nghề và ngoại ngữ được tốt nhất.
Các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần chú trọng đào tạo cho người lao động đầy đủ những kỹ năng về tay nghề, ngôn ngữ và kỷ luật trong lao động, nhằm nâng cao ý thức của người lao động, chấp hành nghiêm Luật pháp nước sở tại, nơi người lao động đến làm việc.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Cà Mau, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 2.190 lao động, có 114 người tham gia đào tạo dự nguồn, học giáo dục định hướng chờ xuất cảnh, gồm: Hàn Quốc: 44, Nhật Bản: 51, Ðài Loan (Trung Quốc):19. Người đang học ngoại ngữ: 52; phỏng vấn đạt: 52; đã học xong ngoại ngữ: 91. Ðến thời điểm này, có 104/400 lao động đã xuất cảnh ở các thị trường: Nhật Bản: 64 lao động, Hàn Quốc: 11 lao động, Ðài Loan: 27 lao động và Mỹ: 2 lao động.