Trau dồi chuyên môn, có kế hoạch rõ ràng về ngành học và tạo ra tác động thực tế là bí quyết giúp Tú Anh chinh phục học bổng “Women in STEM”.
“Women in STEM” là học bổng do Hội đồng Anh khởi xướng năm 2020 nhằm thúc đẩy cơ hội học tập và làm việc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học cho ứng viên nữ.
Bà Lê Thu Hiền, Quản lý chương trình giáo dục tại Hội đồng Anh, cho biết ứng viên giành học bổng được chi trả học phí, trợ cấp, chi phí đi lại, thị thực và bảo hiểm y tế, tương đương 35.000 bảng (một tỷ đồng) cho một năm học tại Anh. Trong hai mùa trước đó, 9 ứng viên Việt Nam đã nhận học bổng này. Năm nay, hạn nộp đơn muộn nhất vào ngày 30/4 cho bậc thạc sĩ và 31/5 cho chương trình thực tập sinh sau tiến sĩ.
Nhận học bổng “Women in STEM” năm 2022 để theo đuổi chương trình thạc sĩ chuyên ngành Phát triển bền vững, doanh nghiệp và thiết kế tại Đại học Brunel, London, chị Bùi Tú Anh chia sẻ bốn kinh nghiệm khi ứng tuyển.
Đầu tiên, chị Tú Anh cho rằng ứng viên cần tích luỹ kinh nghiệm từ lĩnh vực chuyên môn hoặc sở thích bản thân.
Chị Tú Anh đến với học bổng khá tình cờ vì nền tảng trước đó không liên quan đến STEM. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế TP HCM, chị vào làm tại một công ty sản xuất may mặc. Thực tế làm việc, chị nhận thấy khách hàng ngày càng có nhu cầu về các sản phẩm thân thiện với môi trường cũng như đòi hỏi doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội.
Vì thế chị Tú Anh liên tục tự trau dồi kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển bền vững qua công việc và tham gia các khoá đào tạo của công ty. Theo chị, điều đó giúp ứng viên có nền tảng chuyên môn vững, giúp hồ sơ có tính cạnh tranh khi thể hiện rõ định hướng mình theo đuổi.
Tú Anh (ngoài cùng, bên phải) cùng bạn bè quốc tế trong lớp học Phát triển bền vững, doanh nghiệp và thiết kế tại Đại học Brunel, London, năm 2022. Ảnh: Hội đồng Anh cung cấp
Bước thứ hai, ứng viên tìm khoá học bằng cách truy cập website của trường đại học, tìm hiểu chi tiết và xác định chương trình nào phù hợp với mình về kiến thức, kinh nghiệm, định hướng.
Bước thứ ba là chuẩn bị hồ sơ gửi trường đại học. Chị Tú Anh cho biết để nhận được thư nhập học có điều kiện của trường đại học ở Anh, ứng viên cần nộp bảng điểm, bằng tốt nghiệp, sơ yếu lý lịch, bài luận và thư giới thiệu. Ở bài luận, ứng viên cần nêu rõ lý do chọn trường, ngành học; kỹ năng, kinh nghiệm tương ứng và mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.
Ứng viên cần nêu bật điểm mạnh và kinh nghiệm bản thân, cho thấy mình phù hợp với học bổng. Ngoài ra, chị Tú Anh cho rằng cần thể hiện mục tiêu truyền cảm hứng cho phụ nữ và trẻ em theo đuổi ngành STEM ở Việt Nam.
Trong bài luận, chị Tú Anh nói sau khi về nước sẽ thu hút những lao động nữ ở công ty cũ nhận biết được tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật và sự phát triển bền vững trong sản xuất. Từ đó, họ có động lực tham gia các lớp học để nâng cao kỹ năng của mình. Thông qua các hội thảo và hoạt động cộng đồng, chị cũng mong thu hẹp khoảng cách về bất bình đẳng giới trong xã hội.
Sau khi gửi hồ sơ, tuỳ từng đại học, ứng viên có thể trải qua bước thứ tư là phỏng vấn. Ở vòng này, giám khảo sẽ hỏi sâu về chuyên môn và những câu chuyện có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến ứng viên.
Trong vòng phỏng vấn với giáo sư Edwin Routledge, Trưởng khoa Khoa học môi trường tại Đại học Brunel, Tú Anh nhận được câu hỏi “Bạn có gì khác biệt so với bạn bè hoặc đồng nghiệp của mình?”.
Khá bất ngờ, Tú Anh suy nghĩ một chút và đáp rằng chị không có gì khác biệt so với bạn bè hay các anh, chị đồng nghiệp về mặt hình thể, cũng làm công việc 8 tiếng một ngày. Tuy nhiên, cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ những người có trải nghiệm ở các nền giáo dục tiên tiến đã thúc đẩy Tú Anh “bơi ra biển lớn”. Chị cho rằng, giáo dục sẽ giúp mỗi người mở ra những cánh cửa rộng hơn.
Chị Tú Anh từng gặp riêng giáo sư để hỏi lý do trước đây ông chọn mình. Giáo sư trả lời, mặc dù điểm trung bình học tập của Tú Anh không quá cao – ở mức 3.7/4, IELTS 6.5 nhưng cô đã thể hiện mình có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với ngành học về phát triển bền vững. Đây là một ngành khá mới và có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào.
Theo lời chị Tú Anh, ông đánh giá chị đã thể hiện được khát vọng tiên phong tạo ra tác động khi đặt mục tiêu, kế hoạch có tính thực tế, không mơ hồ. Chị khẳng định khi về nước sẽ tiếp tục làm việc ở công ty may mặc cũ, quy mô hơn 8.000 nhân viên nhằm áp dụng các kiến thức, kỹ năng về phát triển bền vững ở những dự án do chị quản lý chính.
Chị Tú Anh cho hay nếu nhận được thư chấp nhận từ trường đại học tại Anh, ứng viên sẽ tiến đến vòng tuyển chọn của học bổng “Women in STEM”. Các đại học gửi danh sách ứng viên được dự kiến nhận học bổng, Hội đồng Anh ở trụ sở Anh sẽ tham gia vào khâu xét duyệt cuối cùng.
“Ở Việt Nam và một số quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Nepal, vai trò của phụ nữ trong ngành STEM vẫn chưa được đánh giá cao, phụ nữ theo học khối ngành này được xem là khô khan, thậm chí khó kiếm chồng”, Tú Anh nói, cho biết khi nhập học tại Anh hồi năm ngoái, chị nhận thấy các bạn nữ đều giỏi kỹ thuật, máy tính, “rất ngầu, vẫn rất nữ tính”.
Lệ Thu – Minh Anh