Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà – Ảnh: NAM TRẦN
Sáng 13-6, tại buổi thăm, làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết từ năm 1997 đến nay, hội chỉ được giao 17 chỉ tiêu biên chế, phân bổ trong 11 ban, đơn vị chuyên môn cơ quan trung ương.
Sẽ có cơ chế thu hút nhân tài vào cơ quan báo chí
Hội Nhà báo Việt Nam chưa được Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng để phù hợp với hoạt động của hội, trong khi công tác quản lý, triển khai các nhiệm vụ được giao trực tiếp và nhiệm vụ chính trị phối hợp thực hiện với các bộ, ngành đã tăng thêm.
Do đó cơ quan trung ương hội phải sử dụng lao động hợp đồng. Ông Minh cũng nêu khó khăn về kinh phí hoạt động.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thời gian qua cả hệ thống đã thực hiện rất quyết liệt tinh thần các nghị quyết trung ương về tinh giản biên chế nhằm giải quyết chính sách tiền lương.
Với Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí cũng không nằm ngoài tinh thần này. Với biên chế của Hội Nhà báo Việt Nam nằm trong biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và có 17 biên chế.
Trước mắt, Bộ trưởng Trà đề nghị hội thực hiện đúng theo các quyết định của Bộ Chính trị về giao biên chế và quản lý biên chế.
Bà cho hay vừa qua đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định 111 về hợp đồng với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, bà đề nghị có thể vận dụng nghị định này.
Về thi nâng ngạch cho Hội Nhà báo các cấp, bà Trà nêu rõ việc này không có gì vướng và nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện cần đề xuất để tổ chức thi nâng ngạch.
Đang tham mưu Chính phủ bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh hiện đang tham mưu Chính phủ bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém. Nhưng trước mắt thực hiện xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện.
“Chúng tôi đang tính toán một vài năm nữa sẽ bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng viên chức”, bà Trà nói.
Bà cũng bày tỏ việc rất trăn trở làm sao đổi mới được cơ chế quản lý các hội, đặc biệt là Hội Nhà báo, cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp.
Bộ đã tham mưu cho Chính phủ để đổi mới cơ chế quản lý với các đơn vị sự nghiệp, trong đó quan trọng nhất là đổi mới cơ chế tài chính.
“Chúng tôi rất mong Thủ tướng cho chủ trương trong việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp nói chung, nên dành cơ chế đặc biệt với đơn vị sự nghiệp là các cơ quan báo chí.
Làm sao có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ với cơ quan báo chí từ cơ chế tài chính này…”, bà Trà nêu thêm và cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông để tham mưu cho Chính phủ.
Bà Trà thông tin thêm đang xây dựng chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài và sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về thu hút, trọng dụng người tài năng vào khu vực công.
Trong đó, sẽ lưu ý với các cơ quan báo chí để có cơ chế thu hút nhân tài vào các cơ quan báo chí chủ lực.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng – Ảnh: NAM TRẦN
Đề nghị tăng thêm 30% ngân sách đặt hàng báo chí
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay đang sửa văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, nhất là nghị định, thông tư về nhuận bút, định mức kinh tế kỹ thuật sao cho phù hợp với thị trường.
Ông kêu gọi các cơ quan báo chí hãy cùng làm với bộ vì chỉ như vậy mới sát với cuộc sống.
Ông cho biết bộ sẽ huy động các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ toàn diện cho cơ quan báo chí. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ xây dựng một số nền tảng chung cho cơ quan báo chí, nhất là với cơ quan báo chí nhỏ, hạn chế về công nghệ.
Hiện nay chi thường xuyên cho báo chí thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng chỉ dưới 0,5% tổng chi ngân sách thường xuyên của Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước.
Ông Hùng mong muốn Thủ tướng chỉ đạo chính quyền các cấp tăng thêm 30% ngân sách đặt hàng báo chí, tăng từ dưới 0,5% lên ít nhất 0,65% chi ngân sách thường xuyên.