Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị chưa đánh thuế nhà, đất thứ hai tại TP HCM vì chính sách này “không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp”.
Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TP HCM nhằm tạo động lực mới để đầu tàu kinh tế phía Nam bứt phá. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, thành phố chưa nhận được kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc. Cuối năm 2022, Bộ Chính trị thống nhất tiếp tục cho TP HCM thí điểm chính sách đặc thù.
Dự thảo nghị quyết lần 3 vừa được trình Chính phủ cho ý kiến có điểm cập nhật so với hồi đầu tháng 2, là không còn đề xuất thí điểm cơ chế đánh thuế nhà, đất ở thứ hai trở lên. Thay vào đó, thành phố đề xuất tăng thuế suất thuế sử dụng đất nông nghiệp với đất ở không quá 5 lần thu hiện hành; tăng thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên, nhưng không quá 2 lần hiện hành. Mức tăng cụ thể sẽ do HĐND thành phố quyết định.
Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư – cơ quan cùng TP HCM xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 – cho biết hiện có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành và cơ quan trung ương về một số cơ chế, chính sách lần đầu được TP HCM đề xuất thí điểm, chưa có trong luật.
Ví dụ, việc đánh thuế cao với người sở hữu nhà, đất thứ hai tại TP HCM, theo bộ, sẽ tạo nguồn thu ngân sách cho TP HCM và kết quả thí điểm là cơ sở để xem xét mở rộng phạm vi áp dụng sau này tại các địa phương khác. Song khi tham vấn ý kiến, bộ thấy còn nhiều quan điểm khác và bất cập.
Chẳng hạn, chính sách này không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp. Ví dụ, người có một nhà, đất ở diện tích hoặc giá trị lớn sẽ không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu hai nhà, đất ở diện tích, giá trị nhỏ lại chịu thuế cao.
Mặt khác, việc chưa số hóa giấy tờ giao dịch bất động sản là kẽ hở để nhiều tổ chức, cá nhân lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên. Vì thế việc đưa ra thí điểm đánh thuế cao với bất động sản thứ hai lúc này chưa phù hợp.
Cơ chế này khi áp dụng sẽ tác động đến thị trường, làm giảm cung và cầu bất động sản tại TP HCM. Hiện, không nhiều quốc gia trên thế giới chọn phương án đánh thuế cao với người sở hữu nhà, đất thứ hai trở lên.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chưa đưa chính sách này vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
Bất động sản, chung cư, cao ốc dọc theo Xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1, tháng 2/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Trước đó, tại dự thảo nghị quyết gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư hồi đầu tháng 2 và cuối năm 2022, TP HCM từng đề xuất hai phương án tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên. Thành phố sẽ hưởng 100% số thu tăng thêm từ khoản này và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và địa phương.
Chính quyền TP HCM cho rằng việc thí điểm đánh thuế này sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản và là cơ sở xây dựng chính sách chung sau này.
Tuy nhiên ý tưởng đánh thuế bất động sản thứ hai nhận được ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia. Họ lo ngại việc thí điểm này có thể tác động tới thị trường bất động sản TP HCM, và tam lý nhà đầu tư, vốn đang lâm vào cảnh ảm đạm từ nửa cuối năm ngoái.
Cũng tại dự thảo nghị quyết, TP HCM đề nghị được áp dụng hợp đồng BOT với đường hiện hữu tại dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước tới chân cầu Bình Triệu) và dự án đường trên cao số 5.
Bộ Kế hoạch & Đầu cho biết, hình thức BOT chỉ được áp dụng với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền, nghĩa vụ cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Do đó, cơ quan ngành kế hoạch đề nghị TP HCM xem xét, đánh giá kỹ tác động tới người dân, tính hợp lý khi lắp đặt các trạm thu phí.
Về áp dụng hợp đồng BT trả bằng ngân sách thành phố, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, có nhiều ý kiến e ngại nếu thí điểm chính sách này. Bởi, chi phí đầu tư lớn hơn so với đầu tư công do phải chi trả phần lãi vay, lợi nhuận của nhà đầu tư. Việc lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu chỉ định thầu, không đảm bảo công khai, minh bạch. Một số dự án không bố trí kịp ngân sách để chi trả nên hiện đang tạo gánh nặng trả nợ cho Nhà nước.
Mặt khác, cơ chế BT trả bằng ngân sách nhà nước chưa gắn trách nhiệm vận hành của nhà đầu tư; quản lý dự án chưa chặt chẽ như các dự án đầu tư công, nên có thể lượng dự án không được bảo đảm.