Biên phòng – Năm 2023, cánh rừng cao su trên vùng rừng núi huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu cho ra sản phẩm đợt 2. Rừng cao su của bộ đội là nơi để đồng bào biên giới đến học tập về cách trồng cây dài ngày, góp phần xóa đói giảm nghèo. Dự án này “gối đầu” qua 3 thế hệ chỉ huy, kéo dài trong suốt 10 năm, đúng như câu nói của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Thượng tá Lê Công Bảy, Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP Quảng Bình đi kiểm tra rừng cao su ở xã Trọng Hóa. Ảnh: Văn Chương
“Có ngắn, có dài, có hướng dẫn”
Cuối năm 2020, bão tố liên tiếp ập vào các tỉnh miền Trung và càn quét lên tận địa bàn các xã biên giới của tỉnh Quảng Bình. Vào giờ phút đó, những người lính Biên phòng Quảng Bình vô cùng lo lắng, trong đó có cả những cán bộ đã nghỉ hưu như Đại tá Nguyễn Văn Phúc, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình, vì ông là người đã theo đuổi chủ trương trồng cao su lúc còn đương chức. Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình cũng khá nóng ruột khi có bão lớn, ông cho biết, mình là người đã trực tiếp xắn quần đi trồng cao su với anh em khi còn là Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 (nay là Đồn Biên phòng Cà Xèng).
Đại tá Nguyễn Văn Phúc kể lại, năm 2012, BĐBP Quảng Bình liên tục tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ bà con đồng bào người Rục. Bộ đội hướng dẫn cho họ trồng những loại cây ngắn ngày và đơn giản, như trồng ngô, lúa, trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn. Thời gian để hướng dẫn cho bà con thực hiện những công việc này kéo dài và cũng tốn khá nhiều thời gian.
Phương châm là “có ngắn, có dài, có hướng dẫn” để bà con trồng những loại cây đơn giản, rồi đến khi con cháu họ ra đời, học hành tiến bộ hơn thì phải hướng dẫn những loại cây lâu năm, có thu nhập cao hơn, góp phần giúp bà con tự lực về kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, không còn cảnh thiếu đói. Với tinh thần đó, đơn vị vừa triển khai dự án trồng lúa nước cho đồng bào Rục, vừa triển khai dự án trồng cao su, huy động rất nhiều nhân lực tham gia. BĐBP Quảng Bình xác định, trồng cây cao su không chỉ nhằm mục đích để mang lại hiệu quả kinh tế, mà là mô hình để cho đồng bào học tập và làm theo cách xóa đói giảm nghèo của bộ đội.
Đồng bào người Rục ngày đó bắt đầu nghe BĐBP giảng giải về loại cây trồng trên đồi sau này sẽ tạo ra thứ mủ trắng như sữa; vòng đời cây cao su là 25 năm và trong khoảng thời gian sau trồng 7 năm đã có thể thu hoạch. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ ở các Đồn Biên phòng Ra Mai, Cà Xèng và Phòng Hậu cần được dự chọn để triển khai mô hình trồng cây cao su, cùng với thực hiện công tác biên phòng còn dành thời gian nghiên cứu về cây cao su. Đây là loại cây phát triển tốt ở vùng nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trung bình từ 22-30 độ C, cần lượng mưa ổn định. Nhược điểm của loại cây này là không chịu được úng nước và gió mạnh. Những vùng đất có nhiều bão tố đi qua, cây cao su dễ bị gãy đổ vì thân giòn.
Đại tá Nguyễn Văn Phúc cho biết, những việc làm của cán bộ Biên phòng thời điểm đó như cán bộ lâm nghiệp, bởi BĐBP sống với đồng bào thì phải biết làm được nhiều việc, đặc biệt là chăn nuôi, trồng trọt, có như vậy thì đồng bào mới xem bộ đội như người con của bản làng.
Rừng cao su của Đồn Biên phòng Ra Mai đang phát triển tốt. Ảnh: Văn Chương
Cây dài ngày có kết quả
Trước khi lập kế hoạch triển khai trồng cao su để làm mô hình hướng dẫn bà con dân tộc, BĐBP Quảng Bình đã mời lãnh đạo Đoàn 79, thuộc Binh đoàn 15 đi khảo sát thực địa với các giống cây cao su PB 235, VM 515, RRIM 600… Trong thời gian BĐBP triển khai, nhiều người dân địa phương đã đến học tập. Bà con được hướng dẫn về việc triển khai dự án lớn, trồng cây lâu năm thì phải có vốn, bên cạnh đó phải có cây ngắn ngày đi kèm, nuôi sống hàng ngày, giống như đi lên núi thì phải qua nhiều con dốc nhỏ thì mới tới được đỉnh.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình (thời điểm triển khai trồng cao su là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng) cho biết: “Đây là quyết tâm chính trị của đơn vị và thực hiện trong nhiều năm. BĐBP giúp dân trồng lúa, rồi hướng dẫn bà con trồng cây dài ngày và đến năm 2023 này đã cho thu hoạch mủ cao su. Chúng tôi luôn chia sẻ với bà con kinh nghiệm sản xuất, mong muốn bà con cùng đồng hành để góp phần xây dựng cuộc sống mới, xóa đói giảm nghèo bền vững trên miền biên giới”.
Bà con khá lạ lẫm với loại cây không ra hột như lúa, không ra quả như nhiều cây ăn quả khác, mà BĐBP lại nói chỉ thu hoạch mủ và lấy mủ để bán ra thị trường, phục vụ sản xuất cao su. Nhiều người dân bản nói rằng, sẽ cố gắng học tập và làm theo. Cũng trong thời gian đó, một số dự án trồng cây lâu năm ở địa phương được triển khai, do đã nắm bắt được kỹ thuật trồng nên một số bà con đã mạnh dạn tham gia trồng một số loại cây lấy gỗ lâu năm, trong đó có keo lá tràm.
Thượng tá Lê Công Bảy, Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP Quảng Bình nhớ lại, lúc đó đi mua cây giống loại có bầu thì phải huy động xe chở từ sáng sớm, hết ngày này sang ngày khác và anh em phải trực tiếp tham gia nhiều gói công việc.
Trung tá Trần Quốc Tuấn, Trợ lý quân nhu, thời điểm đó cũng được tăng cường lên hiện trường cho biết, mỗi chuyến xe chỉ chở được 600 cây cao su đã trồng trong bầu, vừa đi vừa về hơn 100km, chở từ địa bàn Làng Ho, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình lên. Tổng cộng các chuyến xe của Phòng Hậu cần đi khoảng 3.500km để chở đủ giống cây. Anh em quyết tâm trồng rừng cao su để chứng minh với đồng bào về việc cứ trồng cây lâu năm thì sau này xóa đói giảm nghèo sẽ bền vững hơn.
Lê Văn Chương