Gia đình anh Hà Chí Thẩm (44 tuổi, ngụ ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã canh tác vườn mận (roi) hơn 15 năm nay. Mỗi năm, tiền bán mận trung bình đều hơn 600 triệu đồng, trừ hết chi phí gia đình anh Thẩm vẫn còn lời một nửa.
Anh Thẩm chia sẻ, khi còn trẻ, anh là một trong số ít thanh niên trên cù lao lên bờ làm ăn. Hồi đó, anh làm tài xế cho một công ty vận tải, công việc đều, mỗi chuyến hàng 3 ngày, anh được trả 2 triệu đồng tiền công.
Hầu hết các hộ dân ở Tân Lộc đều có một vườn mận (Ảnh: Nguyễn Cường).
Tuy nhiên sau khi chạy xe một thời gian, anh Thẩm nhận ra mặc dù lương cao nhưng công việc nguy hiểm, lại bị động thời gian. Khi về quê, thấy bạn bè trồng mận thu nhập còn cao hơn nhiều, anh quyết định nghỉ việc về làm nông nghiệp.
Anh Thẩm tâm sự, khi mới về quê, anh được cha mẹ chia cho 6.000m2 đất vườn. Anh Thẩm mướn thêm gần 5.000m2 đất nữa với giá thuê gần 30 triệu đồng mỗi năm để bắt đầu khởi nghiệp.
Công việc lựa mận khá nhẹ nhàng mà có thể giúp các bà, các chị kiếm được 200 nghìn đồng mỗi ngày (Ảnh: Nguyễn Cường).
Với mỗi công đất trồng mận, anh Thẩm chi phí phân, thuốc hàng năm khoảng 25 triệu đồng. Mận trồng 18 tháng bắt đầu cho trái với sản lượng khoảng 9 tấn/ha. Vì mận là cây lâu năm nên “một đời người cũng chỉ phải trồng mới vài lần”, hoa lợi ổn định.
“Công việc bây giờ vừa an toàn, vừa thoải mái, tự chủ thời gian mà thu nhập cao hơn hẳn. Những khi nhà ít việc gia đình, tôi còn đi hái mận cho người khác, mỗi ngày kiếm thêm được hơn một triệu đồng”, anh Thẩm nói.
Mùng khổng lồ trùm lên cả vườn mận để chống côn trùng, tạo nên khung cảnh độc đáo (Ảnh: Nguyễn Cường).
Cũng theo lời anh Thẩm, vì đất cù lao tốt nên mận rất sai trái. Để trái mận to, ngon thì vào đầu vụ gia đình anh phải vặt bỏ trên 60% lượng hoa, khi mận đậu trái lại tiếp tục tỉa đi một nửa.
Có điều kiện sinh trưởng thuận lợi nên mận ra trái quanh năm, vì thế nhà vườn cũng có thu nhập quanh năm. Để hạn chế sâu rầy chích quả, người trồng mận sẽ trùm lên toàn bộ khu vườn tấm mùng lưới khổng lồ.
Mận là loại cây ăn quả cho trái quanh năm, cùng một lúc trên cây có cả hoa, trái non và trái chín (Ảnh: Nguyễn Cường).
“Giá mận cũng như nông sản khác, trồi sụt dữ lắm. Lúc xuống thấp có khi chỉ 2.000 đồng mỗi kg, nhưng cũng có lúc đến 30 – 50 nghìn đồng mỗi kg không chừng. Bình quân cả năm thương lái mua tại vườn hơn 7.000 đồng mỗi kg.
Giá mận chỉ cần trên 5.000 đồng mỗi kg là nhà vườn bắt đầu có lãi rồi. Qua hơn 15 năm làm nghề trồng mận, tôi thấy bình quân nhà vườn hàng năm lãi được khoảng 300 triệu đồng trên mỗi ha đất”, anh Thẩm cho biết.
Nhờ vườn mận mà nhiều gia đình trên cù lao như anh Thẩm trở nên khấm khá (Ảnh: Nguyễn Cường).
Hiện 8 anh em trong gia đình anh Thẩm đều đã chuyển nghề sang trồng mận, mỗi người có trên 6.000m2 đất vườn. Nhờ nghề trồng mận mà ai cũng trở nên khấm khá.
Cù lao Tân Lộc được ví như một vườn cây trái mênh mông nằm giữa sông Hậu. Trên cù lao, hầu như gia đình nào cũng có mấy công vườn cây trái, nhiều nhất là mận.
Nơi đây có rất nhiều giai thoại về những gia đình từ khốn cùng phất lên thành đại gia, phú hộ nhờ vườn mận, vườn quýt. Cũng có người đã tìm được cách ủ mận thành rượu ngon, công thức lên men được doanh nghiệp trả tiền tỷ để mua.