Dự án Nút giao Sóng Thần do Bình Dương phối hợp với TP.HCM yêu cầu mức kinh phí lên tới 3.800 tỉ đồng trong đó chi phí bồi thường, GPMB chiếm 2.400 tỉ đồng. 2 địa phương cũng lên kế hoạch đầu tư thêm 1.700 tỉ đồng để mở rộng 1,4km đường An Bình kết nối với Phạm Văn Đồng.
5.300 tỉ đồng đầu tư giao thông cửa ngõ Bình Dương – TP.HCM
2 dự án giao thông quan trọng có vai trò giảm kẹt xe ở khu vực cửa ngõ Bình Dương – TP.HCM do nhu cầu di chuyển giữa 2 địa phương tăng cao thời gian vừa qua.
Theo đó, dự án Nút giao Sóng Thần sẽ được triển khai thành cầu vượt qua đường sắt và kết nối đại lộ Độc Lập qua đường An Bình. Tại đây sẽ có đường nhánh kết nối với quốc lộ 1A hướng cầu vượt Sóng Thần và Linh Xuân.
Nút giao Sóng Thần ở cửa ngõ Bình Dương – TP.HCM
Dự án yêu cầu kinh phí khoảng 3.800 tỉ đồng để thực hiện, trong đó chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là khoảng 2.400 tỉ đồng (chiếm 63%). Phía Bình Dương sẽ chi khoảng 1.900 tỉ đồng để phục vụ công tác GPMB, còn lại sẽ do TP.HCM bố trí.
Dự án thứ 2 sẽ mở rộng đường An Bình, từ cầu vượt Sóng Thần (TP.Dĩ An, Bình Dương) và kết thúc ở đường Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Dự án yêu cầu kinh phí khoảng 1.700 tỉ đồng để thi công đoạn tuyến dài 1,4km. Trong đó phía Bình Dương sẽ đầu tư 1.500 tỉ đồng để triển khai 1,1km đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh này, còn lại sẽ do TP.HCM chủ quản đầu tư.
Phía Bình Dương sẽ hoàn thiện hồ sơ, lấy ý kiến phía TP.HCM và Cục Đường sắt để thống nhất triển khai hai dự án này. Sau khi có ý kiến từ các bên liên quan, Sở sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư.
Hàng ngàn tỉ đồng để bồi thường, GPMB
Có tổng cộng 314 hộ dân bị ảnh hưởng bởi 2 dự án đầu tư hạ tầng giao thông cửa ngõ Bình Dương – TP.HCM với chi phí bồi thường, GPMB lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Cụ thể, dự án đầu tư Nút giao Sóng Thần cần 2.400 tỉ đồng để bổi thường và thu hồi mặt bằng của 144 hộ dân (116 hộ giải tỏa trắng). Còn dự án mở rộng đường An Bình gây ảnh hưởng đến 170 hộ dân (102 hộ giải tỏa trắng) trên đoạn tuyến dài 1,4km nhưng cũng cần tới 1.700 tỉ đồng để thực hiện.
Hướng tuyến đường An Bình, kết nối Nút giao Sóng Thần với đường Phạm Văn Đồng
Một lý do lý giải cho chi phí bồi thường, GPMB cao ngất ngưởng của dự án là do khu vực triển khai dự án có mật độ công trình xây dựng đông đúc. Ghi nhận giá bất động sản tại khu vực phường An Bình đang ở mức 45-55 triệu đồng/m2. Những căn nhà có mặt tiền trên đường An Bình cận kề với khu vực Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức) có mức giá lên tới 60-85 triệu đồng/m2.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết sẽ lên phương án đảm bảo lợi ích hài hòa trong công tác đền bù, không để người dân chịu thiệt thòi. Tỉnh đang nghiên cứu bố trí nơi xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng, trong đó chú trọng đầu tư đầy đủ thiết chế văn hoá, góp phần ổn định cuộc sống của người dân
Thời gian qua, Bình Dương và TP.HCM đã mạnh tay đầu tư vào các công trình giao thông kết nối giữa 2 địa phương để phục vụ nhu cầu giao thương cũng như di chuyển của người dân ngày một tăng cao. Các dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới bao gồm: đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cầu bắc qua sông Sài Gòn trên đường Vành đai 4; Đường Vành đai 3;… Hiện, TP.HCM và Bình Dương kết nối thông qua quốc lộ 13, 1K, 1A.
Cầu vượt ngã tư 550 ở cửa ngõ TP.Dĩ An và Thuận An kết nối khu vực KCN Sóng Thần, KCN VSIP đi TP.HCM