Sở Xây dựng tỉnh Bình Định vừa công bố Quyết định số 1180/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước có diện tích khoảng 219,872 km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Tuy Phước với 13 đơn vị hành chính trực thuộc.
Theo quy hoạch, vùng huyện Tuy Phước được xác định là đầu mối giao thông đặc biệt quan trọng cấp vùng, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị toàn tỉnh, có vai trò đầu mối liên kết các khu vực tạo động lực phát triển tiểu vùng phía Nam tỉnh bao gồm thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, đô thị Tây Sơn và các huyện Phù Cát, Vân Canh.
Đây là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thành Phố Quy Nhơn, vùng phát triển mở rộng của thành phố Quy Nhơn.
Đây cũng là vùng phát triển đa ngành (đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao), trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử là hướng phát triển ưu tiên,…
Cũng theo quy hoạch vừa được phê duyêt, hiện trạng dân số khu vực lập quy hoạch khoảng 180.307 người; đến năm 2025, dân số toàn huyện sẽ đạt khoảng 197.500 người; đến năm 2035, dân số toàn huyện sẽ đạt khoảng 236.800 người.
Về quy hoạch sử dụng đất, diện tích đất xây dựng toàn huyện hiện trạng khoảng 7.090ha; đến năm 2025 khoảng 7.606ha; đến năm 2035 khoảng 8.785ha.
Về diện tích đất xây dựng đô thị hiện trạng khoảng 1.716,8 ha; đến năm 2025 khoảng 1.915ha; đến năm 2035 khoảng 2.364ha. Riêng diện tích đất xây dựng điểm dân cư nông thôn hiện trạng khoảng 2.461,6ha; đến năm 2025 khoảng 2.600ha; đến năm 2035 khoảng 2.920ha.
Theo quy hoạch, vùng huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định sẽ có 3 tiểu vùng phát triển kinh tế.
Trong đó, Tiểu vùng 1 bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước, một phần các xã Phước An, Phước Lộc, Phước Nghĩa và Phước Thuận. Đây là khu vực trung tâm huyện Tuy Phước, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đô thị.
Định hướng phát triển của tiểu vùng 1 là phát triển dân cư đô thị chất lượng cao, trung tâm thương mại, dịch vụ, hệ thống cụm kho, bãi, dịch vụ logistics trên cơ sở khai thác lợi thế kết nối giao thông (QL.1A, QL.19 mới) kết nối với cảng Quy Nhơn.
Tiểu vùng 2 bao gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Phước Thành và một phần các xã Phước An, Phước Lộc. Đây là khu vực đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc của thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận; là khu vực đô thị dịch vụ mới, đầu mối giao thông quan trọng cấp vùng (đầu mối giao thông hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây khu vực Nam Trung Bộ; bao gồm giao thông đường bộ, đường sắt và cảng biển); nằm trong khu vực phát triển lan tỏa của Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.
Tại Tiểu vùng 2 sẽ phát triển hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics, các cụm công nghiệp, dân cư đô thị ở mức độ trung bình.
Tiểu vùng 3 bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các xã Phước Sơn, Phước Hoà, Phước Hưng, Phước Thắng, Phước Hiệp, Phước Quang và một phần các xã Phước Thuận, Phước Lộc, Phước Nghĩa.
Đây là vùng phát triển đô thị, nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá di tích, cảnh quan, làng nghề truyền thống.
Tại Tiểu vùng 3 sẽ phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch trên cơ sở trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên, văn hóa khu vực phía Tây đầm Thị Nại.
Đồng thời phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khai thác và phát triển nuôi trồng thuỷ sản tập trung, kết hợp phát triển dân cư gắn với bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa di tích, cảnh quan, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.