Thị trường bất động sản trầm lắng, mức thanh khoản thấp khiến một số doanh nghiệp phải cắt giảm mạnh lượng nhân sự và bước vào thời kỳ tái cấu trúc.
Sa thải 3.000 nhân viên trong một quý
Tập đoàn Đất Xanh đã phải giảm nhân sự khá nhiều trong năm vừa qua. Tính đến cuối năm 2022, lượng nhân sự của tập đoàn là 3.773 người. Chỉ trong 3 tháng giảm còn 3.191 người.
Tập đoàn này cho hay, do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến doanh số bán hàng ở mảng dịch vụ giảm. Đồng thời, doanh nghiệp chưa kịp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và đã triển khai bán hàng thành công.
(*) Doanh nghiệp không công bố số lượng nhân viên trên BCTC – Nguồn: VietstockFinance
Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (NVL) đã giảm 528 người xuống còn 1.404 người vào cuối năm 2022.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn KSFinance (HNX: KSF) cũng đã giảm đến 48% số lượng nhân viên, xuống chỉ còn 300 người vào ngày 31/12/2022. Việc cắt giảm lượng lớn nhân sự của KSF diễn ra trong bối cảnh doanh thu chuyển nhượng bất động sản năm qua giảm gần 6%. Bên cạnh đó, KSF cũng cho biết 2021 là năm chủ lực bàn giao các sản phẩm bất động sản của công ty.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes (UPCoM: SSH) cũng cắt giảm 16%, hay Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE: AGG) với 29%.
Không chỉ những “ông lớn” bất động sản, thị trường nhiều biến động cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm môi giới.
Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.
Người bám trụ, kẻ về quê
Ảnh minh họa.
Làm việc trong một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM được hơn sáu tháng, Hồng Anh (29 tuổi, Nghệ An) bị thất nghiệp khi công ty thông báo cắt giảm nhân sự vào cuối năm 2022.
Cô cho biết, công ty cũ trước đây ngoài làm đại lý cho các dự án căn hộ tại TP.HCM, công ty còn đứng ra nhận phân phối các dự án đất nền tại nhiều khu vực Đồng Nai, Bình Dương.
Do có nguồn hàng phong phú và sức mua của thị trường khá tốt nên nhiều nhân viên trong công ty rất phấn khởi. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như những biến động của thị trường, công ty lâm vào cảnh khó khăn.
“Một số người chọn cách về quê để giảm tải chi phí khi không có việc làm ở thành phố, vừa được về thăm gia đình. Số khác thì vẫn bám trụ nhưng phải kiêm thêm một số công việc tay trái như chạy Grab, hay bán hàng online để có thu nhập. Mình và gia đình cũng không ngoại lệ. Sau khi bị cho nghỉ việc, vợ chồng mình về quê sinh sống. Mình phụ mẹ bán trà đá, còn chồng mình trở lại nghề biển như trước đây”, Hồng Anh cho biết.
Tương tự như Hồng Anh, Đình Dũng (32 tuổi, Thanh Hóa) cũng phải đưa ra một quyết định khó khăn là về quê. Anh cho hay, thời điểm anh bị sa thải may mắn một người bạn ở quê giới thiệu cho công việc giao hàng. Dù mức lương không bằng công việc trước, nhưng cũng đủ dư giả cho cuộc sống ở quê.
Ngược lại, Mai Hoàng (25 tuổi, Trà Vinh) lại có một quyết định khác. Cô khẳng định sẽ bám trụ thành phố đến cùng.
“Trong quá trình làm việc tại công ty bất động sản, mình làm thêm bán hàng online nên khi bị sa thải mình không buồn, chỉ tiếc vì mình khá thích công việc đó. Thu nhập bị giảm một nửa, nhưng vẫn đủ chi trả tiền trọ, sinh hoạt hằng ngày. Mình có niềm tin thị trường sẽ tươi sáng trở lại trong thời gian tới” – Mai Hoàng nhận định.