Tìm cơ hội mới
Tốt nghiệp đại học Công nghiệp Hà Nội, anh Dương Ngọc Trung (29 tuổi, ở Thái Nguyên) đã bám trụ tại thủ đô để tìm công việc có thể phát triển được năng lực cá nhân. Anh vào làm việc tại công ty có vốn đầu tư Nhật Bản với vị trí kỹ sư thiết kế 3D.
Anh Trung quyết tâm sang nước ngoài làm việc (Ảnh: NVCC).
Mức lương 20 triệu đồng/tháng, nhưng công việc lặp đi lặp lại, không có nhiều điều mới mẻ khiến anh Trung chán nản. Trong đầu chàng trai này bắt đầu suy tính, tìm kiếm công việc mới để nâng cấp trình độ bản thân. Anh nảy ý định tìm kiếm việc làm tại Nhật – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Anh Trung chia sẻ: “Nhiều bạn bè của tôi sau khi tốt nghiệp đại học đã có kế hoạch đi nước ngoài làm việc. Lúc mà hạ quyết tâm đến ở một đất nước khác, tôi đã 26 tuổi. Nhiều người cho rằng ở tuổi này không phù hợp để bay nhảy. Nhưng với tôi, thay đổi không bao giờ là muộn màng”.
Sau đó, anh lên kế hoạch thực hiện dự định của mình. Ban ngày vẫn đến công ty làm việc bình thường, tối về, anh Trung miệt mài trong những khóa học tiếng Nhật. Song song với đó, anh cũng lên mạng tìm kiếm những công việc ở Nhật phù hợp với chuyên ngành.
Mùa đông đầu tiên nơi xứ người (Ảnh: NVCC).
Kiểm tra về độ uy tín của công ty, tính chất công việc đang tuyển dụng, anh Trung đã nộp hồ sơ tuyển dụng. Sau đó không lâu, chàng trai này nhận được lịch phỏng vấn.
“Tôi phải trải qua 2 vòng phỏng vấn online và một bài kiểm tra môn Lý, Toán. Công ty nước ngoài phỏng vấn cũng không khác biệt quá nhiều so với ở Việt Nam”, anh Trung cho biết.
Song, điều quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng ở Nhật quan tâm là ngoại ngữ và thái độ với công việc của ứng viên. Anh Trung chia sẻ: “Về chuyên môn, họ yêu cầu ở mức trung bình bởi đa phần các công ty đã lên sẵn quy trình làm việc và họ cần sự tuân thủ, chấp hành của người lao động. Vì vậy, họ quan tâm vốn ngôn ngữ và thái độ của ứng viên, có sẵn sàng làm việc, cống hiến cho công ty hay không”.
Khoảng 2 tuần sau khi nhận kết quả trúng tuyển, thay vì vỡ òa sung sướng, anh Trung lại tỏ ra điềm tĩnh và sẵn sàng sang Nhật làm việc, mở ra cơ hội mới cho bản thân.
Hào hứng với chuyến xuất ngoại làm việc chưa được lâu thì cuối năm 2019 bùng dịch covid-19. Chuyến đi làm việc nước ngoài của anh vì thế bị hoãn liên tục, kéo dài hơn 2 năm.
Anh Trung nhớ lại thời điểm đi làm visa (thị thực) thì Hà Nội vẫn còn nhiều chốt kiểm dịch.
“Tôi theo dõi tin tức thường xuyên từ phía Nhật. 2 năm mòn mỏi chờ đợi, có những người đã từ bỏ. Vì đã mất công học và lên kế hoạch cho mình nên tôi cố gắng lấy lại tinh thần, theo đuổi đến cùng”, anh Trung kể.
Lịch dự kiến cuối năm 2021, nhưng vẫn chưa bay được. Phải đến tháng 5/2022, anh Trung chính thức sang tiếp nhận công việc ở một đất nước cách Việt Nam gần 4.000 km.
Thu nhập tốt hơn
Được công ty hỗ trợ nhà ở, anh Trung bắt đầu làm quen với công việc, bước vào cuộc sống hoàn toàn khác trước đây. Sau 2 tháng đào tạo, anh Trung chính thức được giao việc vận hành máy cho một công ty về chất bán dẫn.
Lúc mới sang, anh Trung vẫn gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa làm việc và sinh hoạt. Với anh, tính chất công việc không quá vất vả, làm trong giờ hành chính. Tuy nhiên, khi làm việc cần tuân thủ tuyệt đối quy trình đã được vạch sẵn.
Theo bạn trẻ này, làm việc ở Nhật cho thu nhập cao hơn, nhưng cũng nhiều khoản chi tiêu sinh hoạt sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với Việt Nam. Muốn ăn một bát phở, khoản tiền phải trả cũng gấp 3-4 lần trong nước.
Đi nước ngoài làm việc cho anh Trung có cơ hội được đi du lịch, khám phá (Ảnh: NVCC).
Anh Trung kể, rào cản lớn nhất đối lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài là ngôn ngữ. Những câu từ, ngữ pháp trên sách vở nhiều khi áp dụng trong giao tiếp hằng ngày, người Nhật không hiểu.
Vì vậy, kỉ niệm anh này nhớ nhất là việc đi mua đồ ăn. Anh nói mà họ không hiểu nên phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể, tay chỉ trỏ liên tục để diễn đạt ý muốn của mình.
Sau gần 1 năm làm việc nơi xứ người, anh Trung đã tích lũy cho mình vốn ngoại ngữ, tác phong làm việc, nguyên tắc kỉ luật của người Nhật và thỏa ước mơ đi du lịch, khám phá đất nước Nhật Bản. Mặc dù môi trường làm việc, thu nhập tốt hơn, nhưng anh Trung khẳng định sẽ trở về nước.
Những trải nghiệm làm việc tại nước ngoài và chuyên môn của mình, anh Trung tự tin về nước vẫn tìm kiếm được những công việc phù hợp, thu nhập tốt.
Theo thống kê của Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến tháng 10/2022, có trên 1,82 triệu người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, trong đó người lao động Việt Nam đông nhất, lên tới 462. 384 người, chiếm 25,4%. Đa số lao động người Việt là thực tập sinh kỹ năng và đây là nguồn cung cấp quan trọng cho các ngành nghề đang thiếu lao động trầm trọng của Nhật Bản.