Bị lừa đảo hàng chục triệu đồng với việc làm trực tuyến

NHẬN “NHIỆM VỤ”, MẤT HÀNG CHỤC TRIỆU ĐỒNG

Phản ánh qua đường dây nóng Báo Thanh Niên, chị P.T.T (ở P.Kim Chân, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), cho biết giữa tháng 4 vừa qua, đọc được thông tin trên Facebook tìm người thu âm, đọc văn bản, đọc tiểu thuyết với thu nhập 200.000 – 500.000 đồng/ngày, chị đã đăng ký. Sau cuộc phỏng vấn ngắn, tư vấn viên đề nghị chị kết bạn qua Zalo, sau đó chuyển qua nhóm Telegram để tiện trao đổi công việc.

Bị lừa đảo hàng chục triệu đồng với việc làm trực tuyến  - Ảnh 1.

Chiêu thức lừa đảo tuyển người thu âm, đọc tiểu thuyết nở rộ trên mạng xã hội trong thời gian gần đây

Theo lời chị T., sau 4 lần thu âm được trả 80.000 đồng, nhân viên tư vấn có nhờ mua các sản phẩm thiết bị âm thanh mà công ty đang kinh doanh. Chỉ cần chuyển tiền mua hàng, sau 5 – 10 phút sẽ được trả lại tiền cộng thêm số tiền hoa hồng. Nếu đồng ý có thể được xem xét làm nhân viên chính thức của một công ty có trụ trở tại TP.HCM, ký hợp đồng làm việc 3 năm tại nhà. Nhân viên chính thức sẽ được tham gia các sự kiện đọc tiểu thuyết, đọc văn bản, phim điện ảnh, âm nhạc và các văn bản truyền thông, các mẩu truyện ngắn…

Số tiền mua hàng chỉ vài trăm ngàn đồng nên chị T. không nghĩ ngợi nhiều mà chuyển tiền ngay. Để được trở thành nhân viên chính thức, các thành viên trong nhóm như chị phải qua 4 hoạt động do hệ thống đưa xuống. Vẫn là nhiệm vụ mua hàng, nhưng qua mỗi hoạt động số tiền mua sản phẩm sẽ tăng dần. Mỗi người không phải mua 1 sản phẩm mà phải mua 3 sản phẩm với 3 mức giá khác nhau và phải chuyển tiền 1 lần.

Chị T. kể: “Họ đã dùng câu từ gây nhầm lẫn khiến tôi và 3 bạn trong nhóm không đọc kỹ đã thanh toán 1 sản phẩm trị giá 3,79 triệu đồng. Điều phối viên của nhóm yêu cầu phải chuyển đủ tiền 3 sản phẩm. Tôi không có tiền nên phải đi vay mượn để thanh toán 2 sản phẩm còn lại là 7,58 triệu đồng. Người của công ty nói tôi vẫn làm sai, phải chuyển đủ 1 lần cho 3 sản phẩm. Tôi lại đi vay để nộp cho đủ số tiền 11,37 triệu đồng cho 3 sản phẩm”.

Ở các hoạt động tiếp theo, số tiền mua sản phẩm tiếp tục tăng lên từ 900.000 đồng – 19,9 triệu đồng/sản phẩm. Tiền hoa hồng cũng tăng dần từ 10 – 20%. Các thành viên gửi tiền xong chưa được thanh toán lại ngay mà phải làm thêm một hoạt động đi kèm với số tiền rất lớn, từ 32,5 – 38,9 triệu đồng và phải hoàn thành thanh toán nốt sản phẩm đi kèm. Do đã bị kẹt 26,37 triệu đồng, chị T. tiếp tục đi vay 32,5 triệu đồng để chuyển, nhưng chuyển xong chị T. nhận được thông báo là sai.

Chị T. cho hay: “Phần nội dung chuyển tiền phải viết chữ in hoa, không phải chữ thường. Họ yêu cầu tôi chuyển lại đủ số tiền và viết đúng nội dung một lần nữa. Tôi không thể xoay xở vay mượn được vì số tiền tôi vay đã quá nhiều. Số tiền bị kẹt của tôi là 58,89 triệu đồng, họ nói phải hoàn thành thủ tục để bảo lưu và được trả sau 12 tháng, phải đến trụ sở công ty (tại TP.HCM) để làm trực tiếp”.

Nạn nhân cho biết ngày 26.4 điều phối viên phụ trách nhóm Telegram nhắn tin gợi ý nếu chị T. chuyển 30 triệu đồng thì sẽ lấy lại được hết số tiền cũ. Nghĩ đây là hoạt động lừa đảo, chị T. mới kiểm tra địa chỉ công ty và thông tin trên website không giống nhau, khi gặp vấn đề không có người có thẩm quyền giải quyết…

Không riêng gì chị T., từ cuối tháng 4 đến nay, trên một nhóm thu âm giọng đọc trên Facebook cũng chia sẻ bị lừa với chiêu thức tương tự. Thậm chí có những người bị lừa lên tới gần 100 triệu đồng. Trong đó H.H, sinh viên năm cuối một trường ĐH ở Hà Nội, đã bị lừa 75 triệu đồng. H.H chia sẻ: “Vì cả tin, mình đã nghe theo chỉ dẫn của họ vào nhóm Telegram. Những người trong nhóm chủ động kết bạn với mình, giả bộ là người mới tham gia, bảo đã có người thân làm việc này, lương rất tốt. Mình thấy mọi người trong nhóm thực hiện nhiệm vụ, đăng ảnh nhận lại tiền gốc lẫn hoa hồng. Khi mình làm xong nhiệm vụ, hệ thống báo lỗi quá giờ hoàn thành, vậy là mình mất tiền. Số tiền dành dụm từ đi làm thêm quán ăn, vay mượn bạn bè, tiền bố mẹ cho coi như mất hết”.

Bị lừa đảo hàng chục triệu đồng với việc làm trực tuyến  - Ảnh 2.

Các bước thực hiện nhiệm vụ mà các đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân thực hiện

CẢNH GIÁC KHI BỊ DẪN DỤ VÀO CÁC HỘI, NHÓM TRÊN MẠNG

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ TT-TT), cho hay đây thực chất là hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên online, chỉ khác về nội dung. Thay vì lừa tuyển dụng làm các công việc bán hàng cho các sàn thương mại điện tử thì nay những kẻ lừa đảo chuyển sang tuyển thu âm, đọc truyện… Còn cách thức dẫn dụ từ Facebook qua Zalo rồi Telegram và các nhiệm vụ chuyển tiền mua sản phẩm, hưởng hoa hồng đều giống nhau.

Ông Hiếu cho hay: “Nạn nhân bị lừa liên quan đến tham gia cộng tác viên việc làm online hầu như không lấy lại được tiền. Bởi hầu hết các web hay app lừa đảo đều vận hành ở nước ngoài. Các đối tượng lừa đảo luôn sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng không chính chủ, dùng nick ảo, kèm hình ảnh đại diện giả mạo đánh cắp của người khác để tạo lòng tin và dẫn dụ. Vì vậy, nếu bất kỳ ai bảo là họ có thể giúp bạn lấy lại được tiền đều là lừa đảo, giả mạo”.

Theo ông Hiếu, có một chút khả năng lấy lại được tiền nếu nạn nhân báo cáo kịp thời cho ngân hàng một cách chi tiết thông tin về việc mình bị lừa đảo như thế nào, chứng minh được mình là nạn nhân bị lừa mất tiền qua đường link độc hại lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc bị kẻ gian lừa gạt chuyển tiền trực tuyến. Phải gọi ngay tới ngân hàng để khóa thẻ, xin cấp thẻ mới, đổi mật khẩu, mã PIN… sau đó nên đến làm việc trực tiếp tại trụ sở ngân hàng để báo cáo sớm nhất có thể.

Chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo nếu người dân bị trục lợi, lừa gạt, hãy nhanh chóng thông báo đến cơ quan công an cấp quận, huyện để xử lý, hoặc báo cáo qua đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để được hướng dẫn kịp thời.

“Ngoài ra, người dân có thể gửi thông tin vào địa chỉ email [email protected] cho chúng tôi chi tiết về trường hợp bị lừa để chúng tôi có thể phát cảnh báo cho cộng đồng và giúp người dân khóa, chặn trang web lừa đảo kịp thời”, ông Hiếu nói.