Không dám mơ đi du lịch
Chiều 28/4, kết thúc ca 1, chị N.T.T., công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) vội vã trở về phòng trọ, thu dọn đồ đạc để tranh thủ về quê nghỉ lễ.
Đây là kỳ nghỉ lễ dài thứ hai trong năm sau Tết Nguyên đán của đôi vợ chồng công nhân. Để được hít bầu không khí trong lành tại quê hương Lạc Sơn (Hòa Bình), quây quần cùng gia đình bên mâm cơm, anh chị phải mất 3 tiếng di chuyển bằng xe máy.
Hai vợ chồng chị T. quyết định đi xe máy về quê cho tiết kiệm chi phí và cũng đỡ cảnh chen chúc trên xe khách.
Trước khi về, chồng chị rẽ vào khu vực cây ATM gần cổng chính khu công nghiệp rút tiền. Trong ví chỉ còn đôi trăm, chồng chị T. quyết rút thêm vài triệu để lấy tiền đi đường, mua thêm quà bánh biếu bố mẹ.
Trong “núi” đồ đạc lỉnh kỉnh về quê, chị T. “khoe” có quà của công ty cho là chiếc chăn mang về tặng ông bà. Công ty giảm đơn hàng, khó khăn, nên dịp 30/4 – 1/5 chị T. không có tiền thưởng bằng tiền mặt. Anh chị cũng mong muốn được làm việc trong dịp lễ nhưng công ty không có đơn hàng.
Còn với chị Đặng Thị Năm (quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), 13 năm làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long chị chưa một lần tự thưởng cho bản thân hay gia đình một chuyến du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Ngồi trong phòng trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) nữ công nhân cho biết, sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị quyết định ra Hà Nội xin làm công nhân. Năm 2011, mức lương chị nhận được chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng, lâu dần lương cơ bản của chị tăng lên 6,5 triệu đồng/tháng, nếu thường xuyên tăng ca, mức thu nhập của chị cũng vào khoảng hơn 12 triệu đồng/tháng.
“Từ tháng 10/2022 công ty tôi bắt đầu gặp khó khăn, ít đơn hàng. Tôi và nhiều công nhân trong công ty phải nghỉ việc gần 2 tháng và hưởng 70% lương cơ bản. Vì là công nhân lâu năm nên 2 tháng nghỉ việc tôi được nhận khoảng 5 triệu đồng. Đợt đó, tôi về quê ở với các con gần 2 tháng mới quay lại Hà Nội đi làm”, chị Năm tâm sự.
Tranh thủ trước khi về quê nghỉ lễ, nhiều công nhân ra khu vực bảng tuyển dụng khu công nghiệp Thăng Long tìm kiếm việc làm.
Chị cho biết, hiện nay công ty chị đang áp dụng chế độ 1 tuần đi làm 4 buổi, mỗi buổi 12 tiếng. Do đó, mỗi khi được nghỉ 2 ngày cuối tuần, chị đều dành để về quê thăm các con.
Nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, hai vợ chồng chị quyết định về quê bằng xe máy với gia đình và không đi du lịch.
“Thu nhập những tháng gần đây giảm trong khi cuộc sống ở đây vẫn phải chi tiêu nhiều khoản. Mỗi lần hai vợ chồng về quê tốn 400.000 đồng, chưa tính tiền ăn uống dọc đường nên gia đình tôi đi xe máy về quê cho tiết kiệm.
Từ năm ngoái đến giờ hai vợ chồng không tiết kiệm được đồng nào nên cũng không dám nghĩ đến đi du lịch dịp nghỉ lễ”, nữ công nhân chia sẻ.
Trăn trở mỗi chuyến về quê
Rời quê Phú Thọ xuống Hà Nội làm việc từ lúc tuổi đôi mươi, đến nay chị Phạm Thị Thủy đã có 18 năm làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long. Căn phòng trọ rộng chừng 15m2 cũng là nơi cả gia đình chị 4 người gắn bó ngần ấy thời gian.
Sau Tết Nguyên đán đến nay, công ty thiếu việc liên tục. Chị khoe mình là công nhân “cứng” nên thu nhập mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng/tháng, những công nhân mới vào làm chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng.
“Lúc trước còn tăng ca, tháng tôi ‘cày’ được hơn 10 triệu đồng. Giờ việc ít, thu nhập thấp lại đủ thứ tiền phải chi như thuê nhà, tiền điện, nước, sinh hoạt và nuôi con… những khoản cố định như vậy cũng ngốn hết sạch tiền lương tháng của bố mẹ, hầu như chẳng thể dư.
Con lớn đang học lớp 9, con nhỏ học tiểu học, hai vợ chồng tôi mỗi ngày đang dần cảm thấy gánh nặng nuôi con ăn học”, chị Thủy than thở.
Công ty ít việc, thu nhập giảm, cuộc sống của những người công nhân mỗi ngày một vất vả.
Công ty giảm việc nên làm hết ca đêm 27/4, chị Thủy được nghỉ. Song chờ hai con kết thúc buổi học vào thứ sáu, sáng 28/4, cả nhà chị cùng về quê nội ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
“Mỗi dịp nghỉ lễ, vợ chồng, con cái lại dắt díu nhau ra đầu quốc lộ để đón xe khách. Cảnh công nhân nên được nghỉ lúc nào tranh thủ ra bắt xe lúc đó, thấy xe nào còn chỗ thì lên”, chị chia sẻ không thể quên được những lần về quê vật vã, mệt mỏi.
Vé xe khách về quê ngày thường là 200.000 đồng/vé, chị dự tính vào ngày lễ cao điểm đi lại chắc cũng trên dưới 250.000 đồng/vé. Cả nhà chị về quê cũng hết 2 triệu đồng, gần bằng 1/3 tháng lương cơ bản của chị.
“4 tiếng ròng rã trên xe mới về đến nhà nhưng chẳng mấy khi được nghỉ dài ngày như vậy, công ty lại ít việc nên gia đình tôi cố gắng về với gia đình.
Cái Tết vừa rồi may có khoản thưởng tháng 13, vợ chồng chị có tiền biếu ông bà vài triệu để sắm Tết. Còn chuyến này về, chị bảo chắc cũng không có nhiều biếu ông bà vì thu nhập của hai vợ chồng mấy tháng qua giảm sút”, chị Thủy chia sẻ.
Chị Ý tranh thủ dọn dẹp trước khi về quê nghỉ lễ dài ngày.
Quần xắn ống thấp, ống cao, chị Tạ Thị Như Ý, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long tranh thủ dọn dẹp phòng trọ để về quê nghỉ lễ. Sau khi lau nồi cơm điện, giặt chăn màn, tay chị Ý thoăn thoắt gập quần áo rồi hai mẹ con mới chạy xe máy về quê.
Vừa dọn dẹp chị vừa kể, 16 năm làm công nhân trong khu công nghiệp Thăng Long, có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhất. Công ty thiếu hụt đơn hàng, giảm việc khiến thu nhập của chị giảm hơn trước đáng kể, chồng chị cũng chẳng khá hơn là bao.
Ngoài khoản nợ xây nhà từ năm 2019 ở quê đến nay chưa trả hết, vợ chồng nữ công nhân gồng gánh nuôi 3 con ăn học.
Cũng như nhiều công nhân khác, từ đầu năm đến nay chị Ý chỉ có thu nhập là lương cơ bản do công ty ít việc.
“Từ lúc xây nhà đến nay hai vợ chồng gần như “cày cuốc” hết cỡ để trả nợ ngân hàng. Năm ngoái ít việc, tôi phải ra ngoài xin đi lau nhà thuê để cố gắng duy trì thu nhập như những lúc nhiều việc.
Tiền trả ngân hàng cố định hàng tháng khoảng 4 triệu đồng cả gốc và lãi, lại thêm các khoản chi tiêu trên này nên nếu tháng nào thu nhập hụt đi thì tháng đó vất vả”, chị Ý chia sẻ.