Tôi hợp tác làm ăn với một đối tác để thi công công trình. Bỗng dưng giữa chừng, họ đổi ý không cho tôi tiếp tục hoàn tất công trình. Sau đó, họ tố giác tôi ra công an vì cho rằng tôi thi công sai.
Hiện công an chưa khởi tố vụ án và bị can. Vậy tôi có thể ủy quyền cho người khác lên trình diện công an để khai báo hoặc từ chối nếu bị mời lên làm việc nhiều lần không?
Bạn đọc L.P.A thắc mắc với Báo Thanh Niên.
Khi nhận được thư mời, giấy triệu tập của công an, người bị tố giác, phải có mặt theo yêu cầu
Luật sư tư vấn
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn, khoản 2 điều 57 bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố”.
Hiện nay, không có quy định nào cho phép người bị tố giác có quyền ủy quyền cho người khác làm việc với cơ quan công an hoặc có quyền từ chối nếu bị mời nhiều lần.
Cũng theo điều 57, người bị tố giác có quyền tự bảo vệ, hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Vì vậy, khi có thư mời, giấy triệu tập của công an có thẩm quyền mời đến làm việc thì bạn phải có mặt theo thời gian, địa điểm của thư mời.
Luật sư Hậu lưu ý thêm, theo điều 147 bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, thì cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định như: quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Một số trường hợp có thể kéo dài thời hạn giải quyết, nhưng không quá 2 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn 1 lần nhưng không quá 2 tháng.