Tọa lạc tại xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), nhà cổ Huỳnh Phủ được xem như công trình kiến trúc xưa nhất còn lại ở Bến Tre. Ảnh: Mia
Ngôi nhà được cụ Huỳnh Ngọc Khiêm (1843 – 1927) xây dựng trong 14 năm ròng. Bà Lê Thị Hai (hơn 60 tuổi) hiện là người đại diện gia chủ trông coi công trình. Ảnh: Dân trí
Trước đây, đại gia đình bà Hai sinh hoạt trong ngôi nhà cổ. Tuy nhiên, do ngày càng đông khách đến tham quan, những năm gần đây gia chủ đã chuyển ra bên ngoài, ngôi nhà được bảo tồn phục vụ du lịch. Ảnh: Vietnamnet
Căn nhà cổ được cụ Khiêm khởi công từ năm 1890 đến năm 1904 mới hoàn thành. Trong suốt 14 năm xây dựng, nhiều người thợ kịp tậu cho mình một cơ ngơi, cưới vợ sinh con nên quyết định ở lại đất mới, không về quê cũ. Ảnh: Hitour
Nằm trên khu đất rộng 500m2 giữa vườn cây trái sum sê, nhà cổ Huỳnh Phủ mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của xứ Huế. Nhà xây theo cấu trúc xuyên trính (hai cột ở trung tâm, vì kèo nằm về hai phía đối xứng đòn đông và được nối với nhau bằng một thanh dầm ngang còn được gọi là trính hay trến). Ảnh: Mia
Nền nhà cổ được xây tam cấp, lót gạch Tàu với kiến trúc hình chữ nhất, gồm 3 phòng chính và thêm 2 phòng nhỏ ở đầu hồi. Ảnh: Triptrip
Nhà cổ Huỳnh Phủ được xây dựng hoàn toàn thủ công với 48 cột lớn bằng gỗ lim, căm xe và 32 cây bằng xi măng. Ảnh: BaoanhVietNam
Hệ thống vì kèo được chạm trổ công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Ảnh: Dân trí
Phòng khách đặt bộ bàn ghế cẩm thạch chạm khảm cầu kỳ. Ảnh: Dân trí
Nhà cổ Huỳnh Phủ hầu như không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nhưng trải qua thời gian bị mối mọt, tác động của thời tiết nên công trình xuống cấp. Ảnh: BaoanhVietNam
Một số bức khảm bị bong tróc, nền nhà bị sụp lún, có đòn tay, đầu kèo bị mối mọt gặm nhấm. Ảnh: BaoanhVietNam
Năm 2013, ngôi nhà được trùng tu, quá trình mất hai năm để hoàn thành. Ảnh: Dân trí
Tác giả: Hoàng Minh (tổng hợp)
Nguồn tin: Tri thức & Cuộc sống