Thông thường, ở khu vực lăng mộ, người ta sẽ trồng một số loại cây nhất định vừa để tạo cảnh quan vừa để hóa hung, cản năng lượng xấu, giúp mồ yên mả đẹp, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu có cuộc sống bình an, khỏe mạnh.
Không phải loại cây nào cũng được trồng ở khu vực chôn cất của người đã khuất. Gia chủ muốn trồng cây xanh ở đây thì cần lựa chọn kỹ về loại cây, số lượng, kích thước cây.
Dưới đây là một số gợi ích về các loại cây phù hợp để trồng ở khu vực mộ phần.
Cây thông, cây tùng
Cây thông và cây tùng là những loại cây thân gỗ. Chúng tượng trưng cho sự mạnh mẽ. Cây luôn đứng thẳng thể hiện sự hiên ngang, kiên cường, vươn lên khó khăn. Cây lá nhỏ, tán rộng, vừa tạo bóng mát vừa không quá um tùm, rậm rạp, giữ cho khu mộ được thoáng đãng, yên bình.
Gia chủ có thể trồng hai loại cây này bên phần mộ của người đã khuất để thể hiện lòng thành kính với người đã khuất.
Cây thông, cây tùng còn tượng trưng cho phúc lộc, trường thọ, có khả năng tạo âm khí tốt lành ở khu vực mộ phần.
Hoa sứ (hoa đại)
Đây là loại cây được trồng nhiều ở những nơi tâm linh như đền, chùa, nhờ thờ họ và cả các lăng mộ. Cây hoa sứ (hoa đại) là cây thân gỗ, chia nhánh lớn với lá to nhẵn bóng có thể che mát cho ngôi mộ.
Hoa đại nở thành chùm màu trắng hoặc hồng, mọc ở trên cao tượng trưng cho vẻ đẹp thoát tục.
Theo nhà Phật, cây đại thuộc hệ cây thiên mệnh, tức là cây mang theo sinh khí, linh hồn của vũ trụ và trời đất.
Theo quan niệm dân gian, cây đại có khả năng hút sinh lực từ bầu trời chuyển xuống cho đất và nước để khởi phát một cuộc sống viên mãn. Nhờ đó, mộ phần sẽ được yên ấm.
Cây xương rồng
Cây xương rồng có sức sống mạnh mẽ, thích nghi được với nhiều điều kiện, môi trường sống khác nhau. Loại cây này tượng trưng cho sự bền bỉ, kiên định, có thể vượt qua nhiều khó khăn.
Trong phong thủy, cây xương rồng được coi là loại cây có khả năng hóa hung rất cao, tác dụng trấn trạch, xua đuổi điều xui xẻo.
Cây xương rồng có thể trồng ở khu vực lăng mộ để phần mộ tổ tiên được bình yên, không bị quấy phá bởi con người và động vật.
Cây vạn tuế
Cây vạn tuế có thân hình trụ, màu vàng. Cây có thể cao từ 2-4m, lá mọc đối xứng. Cây vạn tuế có dáng đứng uy nghi, sức sống mãnh liệt, tượng trưng cho sự kiên trì, bền bỉ vượt khó khăn, vươn lên để thành công. Cây này còn tượng trưng cho sự trường thọ, vĩnh cửu.
Cây vạn tuế là một trong những loại cây có thể trồng ở nơi chôn cất của người đã khuất. Cây thường được trồng đối xứng ở cổng mộ hoặc trồng sát nhau để tạo thành hàng rào bảo vệ lăng mộ khỏi sự phá hoại của động vật.
Trồng cây vạn tuế bên mộ còn giúp tạo không gian trang nghiêm.
Cây thiết mộc lan
Trong phong thủy, cây thiết mộc lan là loại cây mang đến nhiều sinh khí, may mắn, tài lộc cho gia chủ. Không chỉ được trồng làm cảnh trong nhà, cây thiết mộc lan cũng có thể được trồng ở quanh mộ, đặc biệt là ở những ngôi mộ mới chôn, mới xây đất, cải táng.
Người ta tin rằng trồng thiết mộc lan ở mộ sẽ giúp người đã khuất cảm thấy thanh thản, bình yên.
Trồng loại cây này ở khu vực lăng mộ còn gửi gắm mong muốn tổ tiên phù hộ cho con cháu bình an, làm ăn thuận lợi, đời đời hưng thịnh.
Ngoài 5 loại cây nói trên, gia chủ có thể trồng một số loại cây khác ở phần mộ tổ tiên như hoa cúc, hoa mẫu đơn (hoa trang), hoa giấy…
Một số lưu ý khác khi trồng cây ở quanh mộ
Gia chủ không trồng các cây rễ lớn như cây đa vì rễ cây có thể đâm vào mộ, làm hỏng mộ.
Khi trồng cây xung quanh mộ cần đảm bảo nguyên tắc đối xứng, cân đối, trái phải đều nhau để tượng trưng cho âm dương hòa hợp, phúc lộc song toàn.
Nên trồng cây phía sau mộ để tạo chỗ dựa vững chắc, ngụ ý con cháu đời sau được hưởng phúc từ tổ tiên.
Không trồng những cây có hình thú quái dị quanh mộ.
Không trồng những cây rậm rạp, che đi phần mộ của tổ tiên.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.