Trước những áp lực về tài chính phải đối mặt, nhiều nhà đầu tư BĐS vốn mỏng đã buộc phải bán cắt lỗ khoản đầu tư của mình cả tỷ đồng để cơ cấu danh mục đầu tư.
Thị trường bất động sản từ quý II/2022 đến nay duy trì nhịp độ trầm lắng, thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do tín dụng bất động sản và trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ, cùng đó là lãi suất cho vay liên tục tăng cao.
Không ít nhà đầu tư cố gắng cơ cấu sản phẩm, bán dưới giá vốn để có dòng tiền xoay chuyển nhưng cũng không dễ thanh khoản lúc này. Chị Phương, một môi giới kiêm nhà đầu tư BĐS tại TP HCM cho biết, cuối tháng 12 vừa qua một khách hàng của chị đã chấp nhận cắt lỗ tới 1,5 tỷ đồng để bán lô đất 1.000 mét vuông tại Bình Châu thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có đường trên sổ và cách biển chỉ 2,5km. Theo chị Phương, lô đất này từng được mua với giá 3,5 tỷ đồng, tuy nhiên do gặp khó khăn về tài chính nên chủ nhà muốn bán nhanh với giá 2 tỷ đồng để trả gốc và lãi vay ngân hàng.
Cũng đang gặp khó khăn về tài chính, anh Phúc, một nhà đầu tư BĐS khác tại TP HCM cũng đang lo lắng về khoản đầu tư của mình.
Nhà đầu tư này cho biết đầu năm 2022 đã vay 1,5 tỷ đồng để mua nền đất 2 tỷ tại tỉnh giáp ranh TP HCM, gần khu công nghiệp với hy vọng kiếm lời từ 15-20% trong quãng thời gian từ 6-8 tháng. Tuy nhiên, do thị trường BĐS trầm lắng thời gian qua khiến anh vẫn chưa thể bán được lô đất của mình trong khi chi phí lãi vay ngân hàng ngày càng lớn.
Nhiều nhà đầu tư mắc kẹt khi BĐS rơi vào trầm lắng
Anh Phúc kể, lãi suất ưu đãi chỉ kéo dài trong nửa năm, hiện anh bị nâng lên mức lãi vay gần 14%. Việc phải ôm hàng chờ khiến phần lớn thu nhập hàng tháng của anh phải dùng vào việc gồng trả lãi, không có khoản dự phòng nào cho chi phí phát sinh.
“Tôi đã hạ giá kỳ vọng xuống, chỉ bán giá gốc nhưng vẫn chưa có khách chốt. Nếu tiếp tục ế ẩm kéo dài, tôi không biết có thể trụ nổi không”, anh Phúc cho hay.
Tương tự anh Phúc, anh Chiến mua lô đất nông nghiệp ở Lâm Đồng giá 2,5 tỷ đồng nhưng vay đến 70% giá trị tài sản hồi tháng 5/2022. Đến tháng 12 anh Chiến cũng rơi vào cảnh giá đất không tăng, giao dịch toàn thị trường đứng yên nhưng lãi suất tăng lên đến 14,5%.
“Áp lực trả lãi hàng tháng khiến suất đầu tư ban đầu từng là niềm kỳ vọng thắng lớn nay trở thành quả bom hẹn giờ nổ chậm, nếu không đủ khả năng trả lãi ngân hàng, lô đất của tôi có thể bị phát mãi với giá thấp hơn giá thị trường”, anh Chiến lo lắng.
Thị trường trầm lắng khiến việc ra hàng khó khăn, nhiều nhà đầu tư không có việc làm, không có thu nhập nhiều tháng qua. Tìm hiểu được biết, nhiều nhà đầu tư phải đi vay mượn để vừa gánh sản phẩm, vừa có tiền chi tiêu.
Còn với những nhà đầu tư non vốn, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng BĐS, nhà đầu tư phải đối mặt với sức ép trả lãi ngân hàng. Cơn sóng “ngộp” theo đó đã xuất hiện ngày càng trên thị trường.
Ghi nhận thực tế trên các diễn đàn giao lưu mua bán bất động sản hiện nay, lượng thông tin chào mời, bán gấp nhà “ngộp”, đất “ngộp”, khách sạn “ngộp”,… đã xuất hiện với tần suất dày hơn trước, mức giảm giá phổ biến lên tới 20-30% so với đầu năm. Thậm chí có nhiều khu vực, mức giá giảm lên tới 40-50% nhưng vẫn không có giao dịch khi những người cầm tiền vẫn hy vọng giá có thể sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa.
Trước áp lực trầm lắng của thị trường đè nén, nhiều nhà đầu tư vẫn cố gồng và kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ đảo chiều vào năm 2023. Anh Toản, nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm tại Hà Nội cho biết, năm qua, nhiều người có đất như “ngồi trên đống lửa”, bởi thanh khoản thị trường xuống thấp nên dù liên tục giảm giá nhưng cũng không bán được.
Tuy nhiên, trước những động thái quyết liệt tháo gỡ của Chính Phủ, anh Toản cho rằng, thị trường bất động sản sẽ sớm đảo chiều vào năm 2023. “Bây giờ nhà đầu tư nên chờ đợi, không hoảng loạn. Cần có thời gian để Chính phủ đưa ra những giải pháp tháo gỡ đúng cho thị trường, do vậy, khoảng 3 – 6 tháng nữa thị trường sẽ có những diễn biến tích cực hơn”, nhà đầu tư này nói.
Trong báo cáo chiến lược năm 2023 vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhận định, ngành bất động sản cả nước trong năm 2023 nhìn chung sẽ vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh lãi suất đang neo ở mức cao.
Cụ thể, VDSC cho biết, lãi suất vay mua nhà hiện đang dao động ở mức 11-14%, tăng hơn 4% chỉ trong 6 tháng cuối năm 2022. Đồng thời trước các áp lực như Fed, ECB dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến ít nhất hết quý hai năm sau và áp lực thanh khoản trong hệ thống khiến mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao. Nhóm phân tích dự báo lãi suất cho vay mua nhà khả năng cao vẫn chưa thể hạ nhiệt cho đến hết nửa đầu năm 2023.
Nhóm phân tích cho biết, sức mua khách hàng có nhu cầu thực cũng chưa có sự cải thiện đáng kể trong năm 2023 -2024, do phần lớn các công trình giao thông trọng điểm kết nối Hà Nội/TP HCM với các khu vực lân cận vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, từ đó chưa tạo nhiều động lực để dịch chuyển sang các khu vực vùng ven của người mua nhà.
Nguồn: https://arttimes.vn/kinh-te/bds-tram-lang-nha-dau-tu-phai-cat-lo-ca-ty-dong-de-thoat-hang-c6a217…Nguồn: https://arttimes.vn/kinh-te/bds-tram-lang-nha-dau-tu-phai-cat-lo-ca-ty-dong-de-thoat-hang-c6a21780.html
Chấp nhận giảm giá từ 300 – 600 triệu đồng so với giá rao bán lần đầu nhưng những chủ nhà này thừa nhận đến nay vẫn chưa thể tìm được khách mua căn nhà của mình.