Biên phòng – Bằng trách nhiệm và tấm lòng người lính, hàng chục năm qua, cùng với việc tuần tra bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP Hà Giang và Cao Bằng đã có nhiều phong trào, mô hình, cách làm hay để giúp cho nhân dân khu vực biên giới từng bước thoát nghèo, vươn lên cuộc sống ấm no.
Bài 1: BĐBP Hà Giang: Giúp dân bằng tất cả trách nhiệm và trái tim người lính
Thực hiện Chỉ thị số 572-CT/QUTW ngày 5/10/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới”, nhiều năm qua, BĐBP Hà Giang đã phối hợp tốt với địa phương, triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế – xã hội của đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang giúp dân thu hoạch hoa màu. Ảnh: Đăng Bảy
Tạo động lực giúp người dân thoát nghèo
Khu vực biên giới của tỉnh Hà Giang có 32 xã, 2 thị trấn với 346 thôn. Đây là nơi sinh sống của trên 25 ngàn hộ dân thuộc 19 dân tộc, trong đó, dân tộc Mông chiếm gần 60%. Do địa hình, thời tiết phức tạp, giao thông chưa thuận lợi và trình độ dân trí còn hạn chế nên đời sống của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới Hà Giang vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao. Trước thực trạng trên, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn trong cuộc sống của bà con, BĐBP Hà Giang đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế – xã hội của đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới.
Vừa qua, phóng viên Báo Biên phòng đã có chuyến công tác dài ngày, đến thăm và tìm hiểu viết bài ở nhiều xã, nhiều đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Hà Giang và Cao Bằng. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được nghe bà con kể chuyện về BĐBP giúp dân từng bước xóa đói, giảm nghèo. Ở mỗi thôn, mỗi xã là một câu chuyện, một mô hình và cách làm khác nhau, nhưng đều chung một mục đích, đó là lo cho dân có cuộc sống ấm no. Trong đó, câu chuyện ở Đồn Biên phòng Xín Cái cũng được người dân đề cập nhiều lần.
Được biết, Đồn Biên phòng Xín Cái phụ trách 2 xã Xín Cái và Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc. Do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan, nên 2 xã này vẫn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chia sẻ với cuộc sống của bà con trong địa bàn, thời gian qua, Đồn Biên phòng Xín Cái đã trích lương và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ 13 gia đình nghèo về cây giống, con giống. Cùng với đó là giúp hàng trăm ngày công, phối hợp với địa phương tu sửa, làm mới đường bê tông liên thôn, kênh dẫn nước và một số công trình dân sinh.
Điển hình như gia đình anh Già Mí Pó, người dân tộc Mông, thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng. Trước kia, gia đình anh Pó thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của vợ chồng anh và 3 đứa con nhỏ chỉ trông chờ vào nương trồng rộng hơn 1ha và tiền làm thuê bữa đực, bữa cái của anh. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của anh Pó, từ năm 1998, Đồn Biên phòng Xín Cái và các nhà hảo tâm đã ủng hộ vợ chồng anh 1 con bò giống. Nhờ chịu khó và biết cách chăm sóc, đến nay, anh Pó đã có tới 4 con bò. Chưa dừng lại ở đó, Đồn Biên phòng Xín Cái còn hỗ trợ cho vợ chồng anh Pó hơn 200 gốc lê, trồng ở mảnh ruộng gần đường biên giới. Đến đầu tháng 5/2023 này, vườn lê nhà anh Pó đã bói quả. Vốn là người lạc quan, anh Pó quyết tâm: “Vợ chồng tôi vừa nuôi bò, nuôi lợn, gà, vịt, vừa làm nương, vừa có vườn lê. Nếu trời cho khỏe mạnh, sang năm tôi sẽ thoát nghèo”…
Không chỉ anh Pó, từ Chương trình “Chung tay vì cộng đồng – bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, 10 năm qua, BĐBP Hà Giang đã phối hợp với các mạnh thường quân bàn giao 2.083 con bò giống cho hộ nghèo. Từ những con giống ban đầu đó, đến nay, đã có hơn 10.000 con bò được sinh ra, góp phần không nhỏ vào việc tạo sinh kế và cải thiện đời sống cho đồng bào nơi biên giới. Đây chính là động lực để nhiều hộ nghèo có động lực vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Mỗi đồn một mô hình tiêu biểu
Ở BĐBP Hà Giang, mỗi đồn, mỗi đơn vị đều có các mô hình phù hợp để góp phần giúp dân xóa đói giảm nghèo. Câu chuyện “Giúp dân cải tạo vườn tạp” ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Thanh Thủy cũng khá tiêu biểu. Theo đó, hưởng ứng mô hình giúp dân “Cải tạo vườn tạp”, từ năm 2021 đến nay, Đồn Biên phòng CKQT Thanh Thủy đã giúp gia đình 2 anh: Chu Văn Hành, thôn Nà Toong, xã Thanh Thủy và Đặng Văn Lòng, thôn Tả Ván, xã Xín Chải (huyện Vị Xuyên) cải tạo toàn bộ khu vực trồng rau, màu quanh nhà, xây dựng lại hệ thống chuồng, trại để phát triển chăn nuôi, đa dạng hóa các nguồn thu nhập cho gia đình. Nhờ sự giúp sức của BĐBP, năm 2022, gia đình anh Hành và anh Lòng đã chăn nuôi, bán được gần 1 tấn thịt lợn và trên 200kg rau xanh, tổng thu nhập mỗi nhà trên 50 triệu đồng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái thăm hỏi, động viên gia đình anh Già Mí Pó. Ảnh: Đăng Bảy
Theo báo cáo của BĐBP Hà Giang, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 572-CT/QUTW ngày 5/10/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới”, từ các nguồn vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, BĐBP Hà Giang đã xây dựng 1.408 lượt công trình phục vụ dân sinh. Triển khai 103 mô hình giảm nghèo và đầu tư xây dựng 47 công trình (đường giao thông, cầu cống, thủy lợi, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng), hỗ trợ nước sinh hoạt cho 4.494 hộ; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư 10 dự án cho các hộ dân tộc thiểu số rất ít người.
Hưởng ứng cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, BĐBP Hà Giang đã vận động các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ xây dựng được 168 ngôi nhà “Đại đoàn kết”. Tham gia xây dựng 631 nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn. Ngoài ra, BĐBP Hà Giang còn xây dựng 15 công trình dân sinh, 4 điểm trường và hàng chục căn nhà “Mái ấm Chữ thập đỏ – Biên phòng”, tặng quà cho người nghèo, tổng trị giá trên 12 tỷ đồng. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, BĐBP Hà Giang đã tặng quà và tiền trị giá gần 5 tỷ đồng cho nhân dân ở khu vực biên giới.
Bằng tấm lòng, trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ”, những việc làm của BĐBP Hà Giang đã góp phần tạo nên diện mạo và sức sống mới cho hàng ngàn gia đình ở vùng cao biên giới, nhất là vùng đồng bào dân tộc ít người.
Bài 2: BĐBP Cao Bằng: Gần dân để hiểu và giúp đỡ dân
Đăng Bảy