“Bắt mạch”, “bốc thuốc” vực dậy thị trường lao động
(Dân trí) – Đến nay, những chính sách khôi phục, vực dậy thị trường lao động của các cơ quan quản lý đã thể hiện hiệu quả, nhìn từ đà phục hồi trong quý I/2023. Song, những biến động, nguy cơ sa thải, giảm việc vẫn hiển hiện. Các chuyên gia cho rằng cần có những chính sách trợ lực cả ngắn hạn và dài hạn mạnh mẽ hơn nữa để khôi phục thị trường.
Hết “khát” nhân lực lại đến thừa lao động
Làn sóng giảm việc, sa thải lao động xuất hiện từ tháng 9/2022, và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước thực trạng này, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách để khôi phục, vực dậy thị trường nhân lực.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Bên cạnh đó, đơn vị này yêu cầu các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.
Chia sẻ khó khăn với người lao động, nhất là người bị thiếu việc, công đoàn các cấp sử dụng nguồn tài chính tổ chức chăm lo cho khoảng 1 triệu công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 với mức hỗ trợ từ 700.000 đồng tới 3 triệu đồng/người.
Đến hết tháng 3/2023, các cấp công đoàn đã nhận 53.592 hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động, trong đó, đã thẩm định, quyết định hỗ trợ cho 17.681 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là 22,73 tỷ đồng. Tổng số đoàn viên, người lao động dự kiến được nhận hỗ trợ là 53.592 người, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là gần 80 tỷ đồng.
Trao đổi về nguyên nhân tác động đến tình hình lao động, việc làm trong nước, ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, các định chế tài chính có uy tín đánh giá bức tranh chung của kinh tế toàn cầu ở mức tăng trưởng giảm, không được như kì vọng.
Là một quốc gia xuất khẩu, có nền kinh tế mở, thực tế trên sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Mặt hàng xuất khẩu đều thuộc những ngành nghề thâm dụng lao động. Khi các đơn hàng giảm, kéo theo số lượng lớn lao động bị giảm giờ làm, giãn việc hoặc có thể bị mất việc làm.
Ông Nghĩa nhìn nhận, sau dịch Covid-19, cả nước từng chứng kiến hiện tượng nhiều việc làm, thiếu nhân công, doanh nghiệp “khát” nhân lực để khôi phục sản xuất do công nhân rời các trung tâm công nghiệp về quê, không trở lại. Khi đó, Chính phủ phải trình Quốc hội nới trần giờ làm thêm để giúp doanh nghiệp kịp đơn hàng vì thời điểm đó không tuyển được lao động. Sau một thời gian ngắn lại xảy ra tình trạng doanh nghiệp không có đơn hàng, dư thừa lao động.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) (Ảnh: NVCC).
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đánh giá: “Vừa qua, Việt Nam đã ban hành một loạt các chương trình phát triển thị trường lao động, hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tham gia các hiệp định về thương mại với các nước. Cả nước đã thực thi các biện pháp cùng với sự cố gắng của doanh nghiệp và người lao động. Tôi cho rằng bức tranh thị trường lao động những tháng tiếp theo sẽ sáng hơn, tích cực hơn”.
Về những chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động, ông Trung cho rằng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan kịp thời nắm bắt, có giải pháp hỗ trợ cho người lao động. Đây là biện pháp bắt mạch sớm và bắt trúng mạch, hỗ trợ đúng và kịp thời cho người lao động và doanh nghiệp.
Chuyên gia này bày tỏ, vẫn phải lường trước những diễn biến khó lường của thị trường, tác động đến việc làm. Những khó khăn đã, đang gặp phải không phải “một sớm, một chiều” khắc phục được ngay, như ảnh hưởng dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế…
Cơ hội đổi thâm dụng lao động thành thâm dụng tri thức
Để phục hồi thị trường lao động, nguyên Phó Cục trưởng Lê Quang Trung cho rằng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó cần nắm chắc tình hình thị trường thiếu bao nhiêu, thiếu ở ngành nào, thiếu loại lao động gì… từ đó có sự kết nối giữa người cần việc và việc cần người.
“Ngành lao động đang thực hiện kết nối việc làm truyền thống từ sàn giao dịch trực tiếp, online. Tuy nhiên, cũng cần tính toán lâu dài, định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc THCS, THPT. Ở đây, Việt Nam thực hiện theo phương châm 3 cùng, cùng tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo”, ông Trung nhấn mạnh.
Đối với nhóm lao động bị giảm việc, mất việc, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm đề nghị ngành lao động cùng tổ chức công đoàn nắm chắc biến động của thị trường, phân loại số lao động này. Lao động nào đáp ứng điều kiện cần cung ứng ngay cho doanh nghiệp thiếu lao động. Còn số lao động thiếu kỹ năng, tay nghề thì cần hỗ trợ, đào tạo, bổ túc, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu hiện nay của doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn. Doanh nghiệp có tồn tại mới giữ chân được người lao động. Giữ được chân người lao động sẽ đỡ chi phí tuyển dụng, đào tạo rất lớn khi sản xuất phục hồi”, ông Trung cho hay.
Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Quốc gia về việc làm.
Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Quốc gia về việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận định, so với quý trước, thị trường lao động đang có sự phục hồi. Tuy nhiên, dự báo được đưa ra là thời gian tới vẫn còn những dấu hiệu cho thấy sự biến động của thị trường quan trọng này.
Để có những chính sách phù hợp ứng biến trước tình trạng trên, Bộ Lao động – Thương binh Xã hội đã chỉ đạo tăng cường tổ chức các giao dịch việc làm, nắm bắt thông tin, biến động của thị trường lao động để kịp thời đưa ra những hỗ trợ kịp thời. Trong đó, tập trung tối đa nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để đáp ứng ngay về nhân lực.
Cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch rõ nét, buộc người lao động phải trang bị những kỹ năng toàn diện để đáp ứng nhu cầu. Có như vậy, họ sẽ trụ vững trước biến động về kinh tế và biến động về lao động việc làm như hiện nay. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục cùng “bắt tay” đào tạo nâng cao các kỹ năng, chuyển đổi về chuyên môn kỹ thuật cho người lao động.
“Hiện, Việt Nam đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tạo ra nhiều việc làm, chuyển từ nền sản xuất thâm dụng lao động sang thâm dụng tri thức. Điều này tạo ra hàm lượng công việc giá trị tăng cao, năng suất lao động cao hơn. Rõ ràng, yêu cầu nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động cần thiết hơn bao giờ hết. Điều này cũng cần chuyển đổi dần chứ không thể ngày một, ngày hai có thể giải quyết xong”, ông Liễu nhấn mạnh.
Cạnh tranh bằng kỹ năng lao động
Để phục hồi thị trường lao động, ông Phạm Trọng Nghĩa cho rằng: “Chúng ta cần có giải pháp ngắn hạn và dài hạn mang tính chất tổng thể để phát huy lợi thế nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn nhân lực này ít bị tác động của các yếu tố khách quan mà chúng ta không lường trước được”.
Với các giải pháp ngắn hạn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng cần nhanh chóng có chế độ, chính sách hỗ trợ, ổn định đời sống người lao động cũng như doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Bởi nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, người lao động bị giảm giờ làm. Hỗ trợ người lao động chính là để doanh nghiệp có điều kiện tìm kiếm đơn hàng mới, “nuôi” sản xuất, duy trì việc làm.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Ảnh: Quốc hội).
Song song với nỗ lực của doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội đặc biệt là công đoàn cần vào cuộc mạnh mẽ để bảo đảm thu nhập cho người lao động, tìm việc làm mới hoặc cơ quan nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tìm thị trường hoặc đơn hàng mới.
Về dài hạn, ông Phạm Trọng Nghĩa góp ý: “Cần tính toán lại việc cơ cấu các ngành nghề, tăng cường việc tiêu thụ thị trường trong nước. Chúng ta biết dân số Việt Nam cán mốc 100 triệu, đứng tốp 15 thế giới. Ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu cũng cần tính cụ thể về thị trường lao động trong nước”.
Theo vị này, cần tập trung sản xuất những ngành nghề ít thâm dụng lao động. Để thực hiện việc này, phải có chiến lược tổng thể trong thu hút đầu tư nước ngoài, ưu đãi đầu tư trong nước, đào tạo, nâng cao kỹ năng của người lao động…
“Hiện nay, lao động mất việc, giảm giờ làm mới chỉ do yếu tố thị trường. Tương lai còn phải tính, nếu vẫn làm công việc giản đơn như vậy, mai kia người lao động Việt còn bị cạnh tranh bởi… máy móc. Giải pháp để đáp ứng số lượng nhân lực có rồi nhưng chất lượng nhân lực cần nâng cao, hướng đến những công việc không bị cạnh tranh”, ông Nghĩa phân tích.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam vẫn đang thu hút đầu tư nhiều bằng nhân công giá rẻ và mặt hàng thâm dụng lao động. Tới đây cũng cần tính chuyển sang thu hút đầu tư trong ngoài nước vào ngành nghề có chất lượng lao động cao hơn. Khi đó, nền kinh tế mới có thể cạnh tranh bằng kỹ năng lao động chứ không phải thâm dụng lao động.
Nội dung: Lê Hoa
Ảnh: Hữu Khoa, Phạm Diện, Lê Hoa
18/5/2023
18/05/2023