Theo các nhà phân tích, một sự thay đổi trong thị trường nhà ở của Trung Quốc dường như đang diễn ra, nhưng sự phục hồi sẽ chậm và không đồng đều trong bối cảnh thu nhập không đảm bảo và người tiêu dùng miễn cưỡng tin tưởng vào các nhà phát triển đang mắc nợ.
“Chúng tôi kỳ vọng doanh số bán nhà tại Trung Quốc sẽ cải thiện dần trong thời gian còn lại của năm nay, nhưng chúng tôi không nghĩ doanh số bán hàng sẽ phục hồi mạnh mẽ do lo ngại về triển vọng dài hạn của thị trường bất động sản và thu nhập khả dụng của các hộ gia đình ở Trung Quốc giảm”, Raymond Cheng, giám đốc điều hành của CGS-CIMB Securities, chia sẻ.
Ông Cheng cho biết thu nhập khả dụng của hộ gia đình Trung Quốc đã giảm do tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, thiếu tiền thưởng trong nhiều lĩnh vực trong bối cảnh nền kinh tế bị đại dịch Covid-19 tàn phá vào năm ngoái và cơ chế cắt giảm lương đối với công chức.
Cheng cho biết, doanh số bán nhà của các nhà phát triển bất động sản trong tháng 3 đã tăng trở lại 24% so với cùng kỳ năm ngoái và 32% so với tháng trước do cơ sở thấp và tâm lý thị trường được cải thiện, trích dẫn dữ liệu từ CRIC, một trong những nhà môi giới bất động sản lớn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, doanh số bán nhà trong tháng 3 tăng từ 50 đến 100% so với cùng kỳ năm ngoái đối với các doanh nghiệp nhà nước và nhà phát triển có tình hình tài chính vững chắc, trong khi lại sụt giảm từ 40 đến 80% đối với các nhà phát triển đang gặp khó khăn.
Giá nhà mới trung bình tại 100 thành phố tại Trung Quốc ghi nhận mức tăng hàng tháng đầu tiên vào tháng 3 kể từ nửa cuối năm 2022, tăng 0,2% lên mức 16.178 nhân dân tệ (2.351 USD)/m2, theo một báo cáo từ China Index Academy.
Ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs cho biết trong một báo, trích dẫn một cuộc khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đối với 20.000 người gửi tiền trên 50 thành phố, rằng cư dân tại khu vực thành thị ở Trung Quốc cho biết mức độ sẵn sàng chi tiêu cao hơn và lạc quan hơn đối với giá bất động sản trong quý đầu tiên.
Công ty nghiên cứu Capital Economics cho rằng “sự thay đổi rõ ràng trong thị trường nhà ở” là do “việc nới lỏng chính sách đáng kể, bao gồm cả việc giảm mạnh lãi suất thế chấp”. Công ty cho biết trong một báo cáo gần đây rằng việc dỡ bỏ chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng, thúc đẩy tâm lý của người mua nhà.
Báo cáo cho biết: “Gần đây, các hạn chế đối với việc tiếp cận nguồn tài chính của nhà phát triển bất động sản cũng đã được nới lỏng, chấm dứt giai đoạn thắt chặt sử dụng đòn bẩy tài chính và giúp họ “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, nó có thể sẽ không thúc đẩy một sự thay đổi sắp xảy ra trong hoạt động xây dựng.”
Năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 3%, thấp hơn mục tiêu 5,5%. Quốc gia này đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay.
Đáng chú ý, một số nhà phát triển bất động sản tại Trung Quốc hiện vẫn sa lầy trong cuộc khủng hoảng nợ. Ví dụ, Kaisa đã không cung cấp bất kỳ cập nhật quan trọng nào về việc tái cơ cấu nợ nước ngoài trong báo cáo tài chính năm 2022, công ty nghiên cứu CreditSights cho biết.
CreditSights cho biết: “Mọi con mắt đang đổ dồn vào việc liệu nhà phát triển này có thể đi theo bước chân của Sunac và Evergrande trong việc xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nợ ở nước ngoài hay không. Đây sẽ là bước đầu tiên, nhưng có ý nghĩa để thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại.
Kaisa đã báo cáo một loạt kết quả rất yếu cho năm tài chính 2022. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi công ty đưa ra các cảnh báo về lợi nhuận vào cuối tháng 3. Điều này được nhấn mạnh bởi tình trạng thiếu tiền mặt và sự suy giảm nghiêm trọng về doanh thu cũng như số liệu lãi gộp”.