Hàng tồn trong những dự án dang dở
Thống kê 14 doanh nghiệp bất động sản lớn được niêm yết trên sàn chứng khoán đến cuối năm 2022, tổng lượng tồn kho là hơn 272.210 tỷ đồng, tăng gần 5% so với quý trước và tăng hơn 26,4% so với cùng kỳ.
Nhiều sàn giao dịch bất động sản khu vực Hoài Đức đóng cửa
Dẫn đầu danh sách là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL). Năm 2020, doanh nghiệp này tồn kho 86.870 tỷ đồng; thì đến cuối năm 2022, tồn kho hơn 134.485 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) có lượng hàng tồn kho 14.238 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chủ yếu đến từ các bất động sản dang dở là 11.902 tỷ đồng, còn bất động sản thành phẩm chiếm 1.598 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) có lượng tồn kho là 12.441 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý trước và tăng gần 60% so với cùng kỳ.
Một trong những điểm chung của các doanh nghiệp trên đó là lượng tồn kho nhiều trong các dự án bất động sản đang triển khai dang dở.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, nếu khoảng đầu năm 2022, một số dự án khu vực Vân Canh, Di Trạch huyện Hoài Đức nhộn nhịp xây dựng, thì nay “im hơi lặng tiếng”. Nhiều văn phòng giao dịch nhà đất khu vực này đóng cửa.
Theo chia sẻ của một số chủ văn phòng, khoảng 4 tháng trở lại đây, những khu vực này gần như không phát sinh giao dịch.
Anh Nguyễn Như Phong, chủ sàn môi giới Bắc Land (Hoài Đức) cho biết, bảng hàng của anh còn hơn 100 sản phẩm. Thế nhưng chủ yếu là biệt thự, nhà liền giá cao, căn rẻ nhất cũng 11 tỷ đồng. Khách tìm đến hỏi giá xong “bỏ chạy”.
“Không có giao dịch, văn phòng không có nguồn thu. Từ tháng 10 mình đã phải cắt giảm nhân sự. Đến nay không gượng được nữa mình đành phải đóng cửa trả lại văn phòng để giảm chi phí”, anh Phong buồn rầu.
Anh Nguyễn Văn Bắc, chủ một văn phòng giới thiệu bất động sản tại xã Vân Canh, Hoài Đức cũng cho biết, anh đang cầm trong tay danh sách hơn 150 căn liền kề chuyển nhượng, thế nhưng nửa năm nay vẫn “om” chưa thoát được hàng.
Sớm tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, giảm giá sản phẩm
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, hàng tồn kho tăng phản ánh thực trạng giảm tốc của thị trường.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội lý giải, hàng tồn kho bất động sản là sản phẩm căn hộ đã xây xong phần thô hoặc đất nền đã giải phóng mặt bằng và đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, nhưng chưa bán, chưa huy động được vốn.
Theo ông Điệp, lượng tồn kho bất động sản lớn trong thời gian qua phần nào đến từ các vướng mắc pháp lý và dòng vốn triển khai dự án. Chính sách thắt chặt tín dụng đã khiến nhiều dự án đang xây dựng phải dừng lại để xoay xở, tìm nguồn vốn mới.
Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, năm qua (2022) doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn như: khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng.
Bên cạnh đó lãi suất cho vay, tỉ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng dự án, Bộ Xây dựng nêu.