5 tháng đầu năm, hơn 500 doanh nghiệp bất động sản giải thể
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4%, doanh nghiệp thành lập mới giảm 64,1% so với cùng kì năm trước.
Dự án Làng du lịch Đoàn kết, Tây Hồ bỏ hoang (ảnh minh hoạ)
Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản đã trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tại khắp các địa phương trên cả nước. Hiện nay, số lượng môi giới bất động sản hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022 (300.000 môi giới, trong đó 35.000 được cấp chứng chỉ hành nghề) và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs, các nhà môi giới bất động sản bám trụ lại với nghề cũng đang phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm… Kịch bản của thị trường bất động sản đang rất nguy hiểm. 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động đến hết quý III/2023. 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.
“Thị trường khó khăn, tất cả các đối tượng trực tiếp, gián tiếp tham gia thị trường đều gặp hệ luỵ vô cùng lớn. Nếu không tìm được lối thoát rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của loạt doanh nghiệp bất động sản”, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.
Thị trường không có hàng mới, 95% doanh nghiệp cắt giảm lao động
Tình trạng này diễn ra từ đầu năm 2022 đến hiện tại. Nhất là nguồn cung thuộc phân khúc nhà thu nhập thấp, vốn là phân khúc có nguồn cầu lớn trên thị trường do phù hợp với khả năng tài chính của đại bộ phận dân chúng.
Từ đầu năm 2023, thị trường bất động sản hiện nay chỉ có khoảng 25 nghìn sản phẩm là hàng tồn kho từ năm trước.
Nguồn cung sụt giảm mạnh. Các sản phẩm mới nghèo nàn, thiếu hấp dẫn, lãi suất ngân hàng trong vay mua bất động cao, việc vay mua khó khăn, thu nhập của người dân sụt giảm do suy thoái kinh tế khiến lực cầu thị trường giảm mạnh. Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường bất động sản hiện nay giảm mạnh, lãi suất tiền gửi tăng cũng thu hút người dân đổ tiền vào kênh đầu tư này.
Báo cáo của Hội Môi giới cũng nhận định, thanh khoản thị trường đang suy yếu mạnh. Doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, 39% doanh nghiệp có doanh thu quý I/2023 sụt giảm tới 20 – 50% và 61% sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước, trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động.
Thị trường kỳ vọng gì ở nửa cuối năm 2023?
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian tới chịu ảnh hưởng bởi tình hình chung kinh tế như lãi suất, lạm phát.
Ông Thành cho rằng, thực tế, bất động sản tăng trưởng kém hơn so với cùng kỳ, nhưng suy thoái không quá nặng nề và nếu có thì cũng ở mức độ nhẹ. Ngoài ra, việc giải quyết vấn đề liên quan đến tài chính tiền tệ, thanh khoản, tỷ giá lãi suất, thị trường trái phiếu và bất động sản cũng ảnh hưởng mạnh đến thị trường.
Do đó, ông Thành cho rằng, các giải pháp từ pháp lý đến hỗ trợ tài chính chung hay từng gói hỗ trợ riêng lẻ cũng như quyết tâm tái cấu trúc thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ dần hiện thực hóa và đi vào cuộc sống. Kéo theo đầu tư công, cơ chế đặc thù cho từng địa phương phát huy tốt thì nửa cuối năm, thị trường bất động sản sẽ “bớt khó” hơn.
Về lãi suất cho vay với bất động sản, ông Thành cũng nhận định, lãi suất ngân hàng đang giảm, nhưng 2023 không thể có lãi suất thấp.