Bất động sản Đông Nam Á sẽ hồi phục trong năm 2023

Theo báo cáo Triển vọng Đông Nam Á 2023 của công ty Cushman & Wakefield, sự phục hồi của kinh tế Đông Nam Á gần với mức trung bình trước đại dịch sẽ mang đến động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản khu vực.

https://img.tepcdn.com/img-style/simplecrop_article/79325657.jpg

Kinh tế Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023, gần với mức trung bình trước đại dịch là khaorng 5%/năm. Theo Cushman & Wakefield, điều này sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực, giúp thị trường bất động sản “sẵn sàng phục hồi” vào năm 2023.

Các động lực chính cho sự phục hồi của thị trường bất động sản khu vực cũng bao gồm cả việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch, và tăng trưởng thương mại mạnh mẽ hơn trên khắp các nền kinh tế Đông Nam Á.

“Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho các nền kinh tế Đông Nam Á, vì Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu chính. Nhu cầu tiêu thụ cao hơn bên ngoài Trung Quốc báo hiệu tốt cho các khoản đầu tư thương mại, công nghiệp và nhà ở trong khu vực. Các bất động sản khách sạn và bán lẻ cũng có thể chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong thời gian tới do sự thúc đẩy mạnh mẽ của ngành du lịch”, Anshul Jain, Giám đốc điều hành và đại diện mảng cho thuê tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ và Đông Nam Á của Cushman & Wakefield, cho biết.

Công ty tư vấn này cũng đưa ra triển vọng lạc quan trong dài hạn, dự đoán rằng thị trường bất động sản Đông Nam Á sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tới. Các động lực tích cực đóng góp vào sự tăng trưởng này bao gồm tốc độ đô thị hóa ngày càng cao được thúc đẩy bởi quá trình chuyển đổi số, giúp thúc đẩy nhu cầu bất động sản tại Đông Nam Á. Sự gia tăng các hoạt động thương mại và tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ thúc đẩy đầu tư trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hậu cần và công nghiệp.

Các động lực tích cực khác bao gồm việc thể chế hóa nhanh hơn tại các thị trường bất động sản mới nổi ở Đông Nam Á, các chính sách phát triển giúp tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, và hiệu quả điều hành của các chính phủ được cải thiện, đặc biệt là ở Việt Nam và Indonesia.

Trong khi đó, cơ hội đang tới với các bất động sản đáp ứng được tiêu chuẩn bền vững do các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á đều đặt mục tiêu xây dựng xanh. Cushman & Wakefield nhấn mạnh rằng thị trường công trình xanh có thể trị giá khoảng 20-25 tỷ USD vào năm 2030.

“Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế khác nhau giữa các thị trường, nhưng Đông Nam Á có quy mô kinh tế rất lớn và sở hữu dân số lớn thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ. Nhờ được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại toàn cầu và môi trường địa chính trị thuận lợi, Đông Nam Á mang đến nhiều cơ hội đầu tư với vị thế là một khu vực đang phát triển nhanh chóng”, ông Jain nói.