Doanh thu doanh nghiệp xi măng giảm sâu
Xi măng là một trong những vật liệu cốt lõi của ngành xây dựng. Ăn theo bất động sản, ở thời điểm đỉnh cao khoảng giữa 2022, xi măng “cháy hàng”, tăng giá liên tục.
Nhưng suốt từ đó đến nay, khi thị trường bất động sản ảm đạm, xi măng cũng theo đó giảm theo. Thống kê từ Báo cáo ngành xi măng, tổng lượng xuất khẩu xi măng và clinker cả năm 2022 đạt 30,65 triệu tấn, giảm 33% so với năm 2021. Còn sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước trong năm 2022 đạt 62,68 triệu tấn, gần tương đương và bằng 99,66% so với năm 2021.
Xi măng tắc nghẽn đầu ra, sản lượng tiêu thụ giảm sâu
Thông tin về sản xuất, tiêu thụ xi măng 5 tháng đầu năm, ông Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, xi măng chưa có nhiều khởi sắc. Ngành xi măng đang phải đối mặt với khó khăn: giá nhiên liệu (than, điện…), vận tải tăng nhưng nhu cầu thị trường giảm mạnh, đầu ra bị tắc nghẽn khiến tồn đọng sản phẩm, vốn tăng… gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Qua cáo cáo tài chính của nhiều đơn vị sản xuất cho thấy, doanh thu quý I cũng đã giảm sâu. Đơn cử như: Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (Mã Ck: BCC) ghi nhận, doanh thu thuần đạt 847 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng giảm 335 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế quý I giảm 156% (tương ứng 136 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế âm 48,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 68,6 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý I/2023, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần gần 1.691 tỷ đồng, giảm so với mức 1.957 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 76 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 163,5 tỷ đồng.
Tăng cường xây dựng nhà ở xã hội, đường giao thông
Nhìn nhận tình trạng trên, ông Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho biết, bất động sản là ngành kinh tế đầu tàu của hàng chục ngành sản xuất khác, nhưng nay nguồn cung mới, thanh khoản giảm mạnh khiến thị trường rơi vào tình trạng “đóng băng”, doanh nghiệp khó khăn.
Nói về giải pháp trước mắt, ông Lương Đức Long đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra của ngành bằng cách tăng cường xây dựng nhà ở (nhất là nhà ở xã hội), khu đô thị, đường giao thông…, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía Nam để vừa tạo đầu ra cho sản phẩm, vừa có hạ tầng thuận lợi.
Còn lãnh đạo một doanh nghiệp xi măng cho hay, thời gian tới, các doanh nghiệp xi măng đang trông chờ tín hiệu từ sự phục hồi và phát triển thị trường bất động sản với một loạt giải pháp đang được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung thực hiện nhằm phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
“Để có thể vượt qua những khó khăn, khắc phục những yếu tố bất lợi của thị trường, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì ổn định hệ thống thiết bị, gắn sửa chữa với các chương trình tối ưu hóa, đổi mới sáng tạo, giảm giá thành sản xuất, giải quyết các vấn đề môi trường theo định hướng của Tổng Công ty.
Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn thường xuyên tổng hợp, phân tích đánh giá thị trường, nâng cao năng lực dự báo, đồng thời xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt giải pháp mạnh kịp thời theo diễn biến thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn chung và tối ưu hóa logistics, hoàn thiện ứng dụng số hóa trong tiêu thụ”, vị lãnh đạo doanh nghiệp xi măng chia sẻ.