Người muốn bồi thường thay Nguyễn Thái Luyện “rút lui” vì số tiền bỏ ra quá lớn; Hòa Phát muốn rót hơn 120.000 tỉ làm dự án gang thép, cảng biển… tại Phú Yên; Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành gần 7 triệu mét vuông sàn nhà ở năm 2023… là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
Hình minh họa
Người muốn bồi thường thay Nguyễn Thái Luyện “rút lui” vì số tiền bỏ ra quá lớn
Chủ toạ cho biết tòa không thể ghi nhận sự việc này vào trong bản án vì ông Lê Viết An không phải bị hại trong vụ án. Thứ hai giao dịch thoả thuận giữa ông An và vợ chồng bị cáo (bị cáo Mai) là một phạm trù khác, là thoả thuận giữa hai bên và không liên quan đến vụ án này. HĐXX đã mời ông An đến làm việc và giải thích việc ông An có thiện chí giúp đỡ và muốn khắc phục hậu quả thay bị cáo Luyện được ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo sau khi cá nhân này làm việc với cơ quan thi hành án về việc bồi thường.
Đối với điều kiện được giải tỏa kê biên tài sản của bị cáo và giao cho người đứng ra khắc phục, HĐXX giải thích đây là quan hệ dân sự nằm ngoài phạm vi xét xử của vụ án này. HĐXX không có quyền công nhận hợp đồng mua bán giữa Luyện và ông An. Đồng thời, HĐXX cũng không thể hủy lệnh kê biên.
Đến nay ông An chưa có động thái nộp tiền. Tòa đề nghị bị cáo Luyện thông qua luật sư hoặc vợ (đang tại ngoại) để trao đổi với ông An về việc trên. HĐXX cũng cho biết đã có thư mời ông An tham dự phiên tòa với tư cách là người có liên quan đến yêu cầu kháng cáo của bị cáo Luyện nhưng ông An không đến.
Ngành ngân hàng “đau đầu” vì khó khăn từ thị trường bất động sản
Tính đến cuối quý 1, tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ tăng 2,1% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức 5-6% của các quý cùng kỳ trước đó.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại, các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn trung bình ngành như HDBank, Techcombank, VPBank, TPBank,… Ngược lại, tín dụng tại các nhà băng cho vay cá nhân lại ghi nhận giảm/chậm lại so với đầu năm như ACB, VIB, Sacombank…
VNDirect nhận định, nền kinh tế suy yếu đã ảnh hưởng lên thu nhập cũng như khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân, theo đó làm giảm nhu cầu vay và các ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi giải ngân cho nhóm này. Ngược lại với khách hàng doanh nghiệp, cụ thể là bất động sản với vấn đề thanh khoản trước đó đang rất cần thêm dòng tiền.
Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành gần 7 triệu mét vuông sàn nhà ở năm 2023
Trong năm 2023, thành phố đặt chỉ tiêu diện tích nhà bình quân đầu người đạt 28,2m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở đạt khoảng 6,965 triệu mét vuông. Trong đó, dự kiến chỉ tiêu phát triển nhà ở riêng lẻ đạt 4,5 triệu mét vuông; chỉ tiêu phát triển nhà ở theo dự án khoảng 2,465 triệu mét vuông, gồm khoảng 2,339 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại; khoảng 0,032 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,094 triệu mét vuông sàn nhà ở tái định cư.
Để hoàn thành chỉ tiêu, thành phố tập trung rà soát, nghiên cứu có cơ chế, chính sách để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án khu đô thị chậm triển khai, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án đúng tiến độ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kiên quyết xử lý, thu hồi dự án chậm triển khai.
Hòa Phát muốn rót hơn 120.000 tỉ làm dự án gang thép, cảng biển… tại Phú Yên
Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm: Dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm, Cảng bãi Gốc, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và Khu thương mại – Dịch vụ. Tổng mức đầu tư đối với 4 dự án trên dự kiến hơn 120.000 tỉ đồng. Trong đó, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát trong Khu Công nghiệp Hòa Tâm dự kiến có vốn đầu tư 80.000 tỉ đồng.
Phía Hòa Phát cho biết, tiến độ đầu tư thực hiện dự án là 36 tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư và bàn giao đất. Riêng dự án Khu thương mại – Dịch vụ triển khai đồng bộ với đầu tư Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và các dự án thứ cấp khác.
Về công nghệ, Hòa Phát sẽ đầu tư trang thiết bị công nghệ, hệ thống công trình bảo vệ môi trường (hệ thống quan trắc môi trường tự động, xử lý nước, lọc bụi, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn…) theo tiêu chuẩn châu Âu, G7, G20 và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của Việt Nam. Đối với nguồn vốn, doanh nghiệp đầu ngành thép này sẽ đầu tư các dự án tại Phú Yên bằng 50% vốn tự có và 50% còn lại là vốn vay từ tổ chức tài chính khác.