Tin vui cho những người dân Khánh Hòa có đủ điều kiện nhưng chưa được cấp sổ đỏ; Gần 11 tỷ USD vốn ngoại vào Việt Nam; Khởi công dự án 10.000 tỉ đồng xây tuyến cao tốc đầu tiên ở Hà Giang… là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
Hình minh họa
Tin vui cho những người dân Khánh Hòa có đủ điều kiện nhưng chưa được cấp sổ đỏ
Theo kế hoạch, các địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai kê khai, đăng ký đất đai lần đầu đối với các thửa đất còn lại chưa kê khai đăng ký đất đai đối với người đang sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện theo Luật Đất đai và các luật khác có liên quan, tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền.
Cũng theo kế hoạch vừa được phê duyệt, Khánh Hòa sẽ cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai kịp thời để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu đến tháng 11/2023, phải hoàn thành công tác kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với tất cả các thửa đất còn lại chưa được kê khai đăng ký trên địa bàn tỉnh.
Gần 11 tỷ USD vốn ngoại vào Việt Nam
Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,28 tỷ USD, giảm 59,4% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 3,32 tỷ USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ.
5 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,64 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỷ USD, chiếm hơn 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ. Các ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn, khoa học – công nghệ xếp thứ 3 và 4, với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 1,16 tỷ USD (giảm 61,3%) và gần 481 triệu USD (tăng 28,3%). Còn lại là các ngành khác.
Hà Nội xử lý ra sao việc lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp?
Theo UBND TP. Hà Nội, từ 2018 đến nay, việc xử lý, khắc phục các vị phạm chỉ đạt khoảng 50% vi phạm cần phải xử lý. Một số địa phương vẫn còn để vi phạm mới phát sinh mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, có địa phương để xảy ra các vi phạm trong quản lý đất rừng, xây dựng trái phép nhưng chưa xử lý dứt điểm. Điều này gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Do đó, TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, thống kê, phân loại toàn bộ các trường hợp vi phạm đối với đất nông nghiệp, đất rừng trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã; Lập hồ sơ xác định hành vi vi phạm đối với từng trường hợp, xác định rõ thời điểm xảy ra vi phạm và đề xuất biện pháp xử lý theo đúng quy định. Xử lý dứt điểm toàn bộ các vi phạm đối với đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công. Trên cơ sở đó tiếp tục rà soát các trường hợp vi phạm đối với đất rừng để tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Khởi công dự án 10.000 tỉ đồng xây tuyến cao tốc đầu tiên ở Hà Giang
Giai đoạn 1 của tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang với tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng chính thức khởi công. Tuyến đường dài 105km khi hoàn thành sẽ tạo nên trục cao tốc kết nối liền mạch từ Hà Nội đến Hà Giang.
Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Hà Giang có chiều dài khoảng 27 km, là dự án cao tốc đầu tiên của tỉnh. Dự án được Chính phủ phân cấp cho tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang làm cơ quan chủ quản, thực hiện theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Dự án có quy mô 2 làn xe song phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2025.