2 ngày khởi công đồng thời 4 tuyến đường liên vùng ngàn tỉ từ Đắk Lắk xuống Vũng Tàu; Đồng Nai mạnh tay đầu tư 34.000 tỉ đồng cho giao thông nhờ đấu giá 1.600ha đất dọc 9 tuyến đường; Chặn trường hợp hiến đất làm đường giao thông vì lợi ích cá nhân… là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
Hình minh họa
2 ngày khởi công đồng thời 4 tuyến đường liên vùng ngàn tỉ từ Đắk Lắk xuống Vũng Tàu
Ngày 17/6 sẽ khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vào ngày 17/6/2023. Điểm cầu khởi công chính là tại An Giang. Ngày 18/6 sẽ khởi công 3 dự án: cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; và đường vành đai 3 TP.HCM.
Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, qua 2 tỉnh Khánh Hòa (32,7km) và tỉnh Đắk Lắk (84,8km) với quy mô 4 làn xe. Dự án chia làm 3 thành phần: Khánh Hòa chủ quản đầu tư đoạn tuyến qua địa phương trị giá 5.632 tỉ đồng; Đắk Lắk đầu tư dự án 6.485 tỉ đồng còn lại đoạn tuyến kết nối 2 địa phương do tính phức tạp cao sẽ do Bộ GTVT chủ quản đầu tư.
Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có tổng chiều dài khoảng 189,48 km, đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang (57km,) Cần Thơ (37,4km), Hậu Giang (37 km) và Sóc Trăng (58,4km). Dự án có tổng mức đầu tư là 44.691 tỉ đồng được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe cao tốc hạn chế, giai đoạn 2 đầu tư hoàn chỉnh 6 làn xe cao tốc.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có tổng chiều dài dự án khoảng 53,7 km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 19,5 km), quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 4 đến 6 làn xe theo từng đoạn, giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư 17.837 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.
Hậu Giang sắp bàn giao 100% mặt bằng cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
Hậu Giang đã phê duyệt toàn bộ phương án bồi thường đạt 100% với 2.067 hộ. Giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đạt khoảng 98,5%; còn khoảng 1,5%, tương đương với khoảng 87 hộ. Dự kiến chậm nhất ngày 30/6 tỉnh sẽ bàn giao mặt bằng 100%. Với các khu tái định cư dành cho dự án, dự kiến đến cuối tháng 6, Hậu Giang hoàn thành 2 khu tái định cư để bố trí các hộ bị ảnh hưởng và cuối tháng 7 sẽ tiếp tục bàn giao 2 khu còn lại.
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có tổng chiều dài 110km. Điểm đầu dự án tại nút giao IC2 (nút giao nối vào quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ), điểm cuối nối tuyến tránh TP Cà Mau. Công trình khởi công ngày 1/1, dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2026. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỉ đồng, rộng 17 m, 4 làn, chia làm hai dự án thành phần: Cần Thơ – Hậu Giang dài 36,7 km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài 72,8 km, vốn gần 17.500 tỉ đồng. Đây là một trong những hạ tầng có vai trò quan trọng về giao thông, phát triển kinh tế khi kết nối nhiều tỉnh thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng Nai mạnh tay đầu tư 34.000 tỉ đồng cho giao thông nhờ đấu giá 1.600ha đất dọc 9 tuyến đường
Theo kế hoạch Đồng Nai sẽ thu hồi một số khu đất hai bên đường của 9 dự án giao thông trên địa bàn các địa phương: TP.Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ, huyện Thống Nhất, huyện Vĩnh Cửu, huyện Định Quán và huyện Xuân Lộc. Dự kiến có 21 khu đất với tổng diện tích 1.557 ha nằm trong kế hoạch đấu giá. Trong đó có khoảng 930 ha của Tổng công ty Cao su Đồng Nai đang sử dụng, 216 ha là đất trồng lúa…
UBND tỉnh Đồng Nai dự tính tổng thu từ đấu giá quyền sử dụng đất 21 khu đất gần 43.000 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 8.400 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, dự kiến số tiền còn lại là 34.436 tỷ đồng sẽ được sử dụng để đầu tư trở lại cho các dự án hạ tầng khác trên đại bàn tỉnh.
Chặn trường hợp hiến đất làm đường giao thông vì lợi ích cá nhân
Đó là một trong những nội dung được đề cập trong chỉ thị mới đây của UBND TP. Cần Thơ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Theo UBND thành phố, thời gian qua công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố đã được cải thiện. Tuy nhiên, ở một số quận, huyện vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Tình trạng lấn, chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép; công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được chú trọng…
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền, đảm bảo tính công khai, minh bạch, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Yêu cầu các quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật về đất đai, nâng cao ý thức, nhận thức cộng đồng về chấp hành pháp luật đất đai, trật tự xây dựng.