Những khó khăn của thị trường bất động sản đã khiến doanh thu của Thép SMC giảm quý thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã có lãi trở lại sau hai quý lỗ vào cuối năm 2022.
Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (Thép SMC – Mã: SMC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 cho thấy doanh thu thuần đạt 3.887 tỉ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 74% còn gần 21 tỉ đồng. Biên lãi gộp ghi nhận ở mức 4%.
Thép SMC có lãi 20 tỉ sau hai quý lỗ đậm
So với quý 1/2022, doanh thu hoạt động tài chính của SMC tăng 87%, đạt 35 tỉ đồng chủ yếu nhờ khoản lãi tiền gửi gần 20 tỉ đồng. Song, chi phí tài chính cũng tăng 53%, lên 96 tỉ đồng, trong đó, chi phí lãi vay là 83 tỉ đồng, tăng 67%.
Trong kỳ, SMC cũng ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, lên hơn 40 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng đã giảm 34%, còn 32 tỉ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp này bão trở lại sau 2 quý lỗ kỷ lục trong cuối năm 2022. Lãnh đạo Thép SMC cho biết, biến động về vĩ mô, về ngành thép toàn cầu và sự khó khăn, trầm lắng của thị trường tiêu thụ trong nước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Tuy nhiên, nhờ vào sự phục hồi của giá thép, sự chủ động của công ty trong việc duy trì mức tồn kho hợp lý, ổn định sản xuất… kết quả kinh doanh trong quý 1/2023 đã tích cực hơn so với quý 4/2022.
Năm 2023, SMC lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 20.350 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 150 tỉ đồng. Như vậy, sau quý 1, công ty đã hoàn thành gần 17% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của SMC ở mức 8.563 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi ngắn hạn ở mức 1.379 tỉ đồng. Hàng tồn kho của công ty ở mức 1.860 tỉ đồng, tăng 19% so với đầu năm và không thực hiện dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản với 2.889 tỉ đồng (chiếm gần 34%) và hầu hết là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (2.605 tỉ đồng).
Rủi to từ công nợ với Novaland
Trong một báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) hồi đầu tháng 3, đơn vị này cho biết Thép SMC đang có công nợ khoảng 1.000 tỉ đồng tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã: NVL).
Bấp chấp khoản nợ khó đòi 1.000 tỉ với một công ty bất động sản, SMC vẫn có lãi trở lại sau 2 quý lỗ đậm
Hiện Novaland đang là một trong những khách hàng lớn của SMC trong mảng phân phối thép xây dựng. Hồi đầu năm 2022, SMC đã cùng Novaland hợp tác cung cấp thép xây dựng tại các dự án của doanh nghiệp địa ốc này trong giai đoạn 2022-2026.
Phía SMC cho biết, hiện công nợ phát sinh với Novaland đã quá hạn, SMC đang gặp khó trong việc thu hồi do chủ đầu tư này đang gặp vấn đề về thanh khoản.
Trong ngắn hạn, doanh nghiệp dự kiến sắp xếp với các ngân hàng và nhà cung cấp để kéo dài thời gian thanh toán trong khi chờ đợi chủ đầu tư cải thiện thanh khoản.
Theo VDSC, phát sinh công nợ với Novaland là tương đối lớn so với lợi nhuận trung bình 1 quý của SMC. Do đó, lợi nhuận trung hạn của doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc vào tốc độ và lượng thu hồi nợ từ doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn.
Về dài hạn, VDSC dự báo rủi ro phải trích lập dự phòng và ảnh hưởng lên lợi nhuận sẽ là rất lớn vì khoản này đã trở thành phải thu khó đòi và khá lớn so với lợi nhuận trung bình một quý của SMC.
Năm nay, VDSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của SMC hầu như không đến từ sản lượng tiêu thụ bởi nhu cầu xây dựng vẫn còn rất yếu. Lũy kế cả năm 2023, SMC có thể đạt được 23.845 tỉ đồng doanh thu và 148 tỉ đồng lợi nhuận. Sang năm 2024, công ty có thể ghi nhận 149 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.