02/02/2023 14:22
(PLVN) – Sở hữu Danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được Unesco công nhận – Ninh Bình mang trong mình trọng trách không chỉ với người Việt Nam mà còn với nhân loại trên thế giới. Làm sao để vừa bảo vệ được danh thắng, vừa phát triển du lịch, phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt phát triển du lịch trong mối liên kết vùng với các tỉnh Đồng Bằng sông Hồng? Ông Trần Song Tùng – Ủy viên ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Bình – đã chia sẻ vấn đề này với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam.
– PV: Không thể phủ nhận được sự thay đổi ngoạn mục của Ninh Bình từ nền kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”, lấy du lịch làm chủ đạo. Phát triển du lịch dựa vào những giá trị của thiên nhiên, giá trị văn hóa của lịch sử để lại, nhưng Ninh Bình cũng đã phải rất khó khăn để bảo vệ, giữ gìn những giá trị ấy, thưa ông?
– Ông Trần Song Tùng: Đây là việc rất khó. Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 12.252ha, bao gồm Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc-Bích Động và một phần khu rừng đặc dụng Hoa Lư. Trong đó 50% là khu bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt. Tức là không được xây dựng, không được tác độn vật lý, tiếng ồn, ánh sáng. Chúng tôi đang quản lý rất tốt, nhưng trong quá trình quản lý cùng gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương tại đây cũng đã kỷ luật nhiều cán bộ vì thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả. Chúng tôi quyết tâm không để xảy ra vi phạm trong vùng lõi di sản. Trước đây, có một số trường hợp. Nhưng vừa rồi chúng tôi đã cưỡng chế xử lý sai phạm. Việc làm này đã được người dân rất hoan nghênh, ủng hộ. Chúng tôi quyết tâm thực hiện lời của một lãnh đạo cao cấp của Unesco: “Unesco rất hạnh phúc khi có một di sản như Tràng An. Hy vọng các bạn sẽ giữ gìn cho không những của Việt Nam mà cho thế giới”. Giữ gìn, bảo vệ Di sản Tràng An – Đó là trách nhiệm và niềm tự hào của chúng tôi.
Ninh Bình quyết tâm không để xảy ra vi phạm trong vùng lõi di sản.
– PV: Trong câu chuyện phát triển du lịch của Ninh Bình, không phải chỉ là chuyện của Ngành Văn hóa, ngành du lịch, của chính quyền địa phương, mà còn có sự tham gia của người dân, cuộc sống của người dân đã thay đổi cùng sự phát triển của du lịch. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm về vấn đề này?
– Ông Trần Song Tùng: Sự phát triển của Ninh Bình là nhờ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Trên đường lối, chủ trương đó, quyết định sự thành công là nhợ sự phối hợp của chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng làm.
Bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch đã tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương. Ninh Bình đã ban hành hệ thống các văn bản xác định một cách toàn diện về tầm nhìn, nguyên tắc, định hướng cơ bản việc bảo vệ, quản lý di sản; góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế – xã hội nói chung, phát triển du lịch và dịch vụ nói riêng.
Chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, lồng ghép việc quán triệt các quy định của pháp luật, của tỉnh về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cho gần 1.800 cá nhân, tổ chức đang tham gia làm du lịch và dịch vụ không chỉ riêng với vùng lõi, mà còn cả ở các vùng đệm tham gia. Nhờ đó, người dân đã hiểu biết và ứng xử có trách nhiệm hơn với những giá trị của di sản.
Ở các khu du lịch của Ninh Bình không có trộm cắp không có ăn xin, không có bẻ gương, không chèo kéo du khách mua bán, chụp ảnh – đó là thành công của mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm.
– PV: Thưa ông, nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, theo ông, Ninh Bình cần phải đẩy mạnh liên kết như thế nào để tạo lợi thế cạnh tranh?
– Ông Trần Song Tùng: Liên kết vùng là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. Trong nhiều năm vừa qua, liên kết vùng tương đối lỏng lẻo, chưa di vào chiều sâu. Để có sức hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với du lịch Đồng Bằng Sông Hồng, cần đẩy mạnh liên kết vùng. Trước hết, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, đến địa phương, đặc biệt là chính quyền địa phương. Thứ 2 là làm công tác quy hoạch. Từ công tác quy hoạch đó mới có thể phát triển đến công tác hạ tầng . Có định hướng hạ tầng tầng mới kêu gọi doanh nghiệp, tạo cơ chế chính sách, môi trường thông thoáng để doanh nghiệp hoạt động, phát triển, Từ các doanh nghiệp mới có các sản phẩm và hướng tới các sản phẩm có bản sắc của Đồng bằng sông Hồng, sản phẩm mang lại giá trị không chỉ về vật chất, mà các giá trị về văn hóa.
Điều cuối cùng chúng tôi quan tâm là làm sao khách đến Đồng bằng sông Hồng phải được hưởng nền văn hóa riêng có của Đồng bằng sông Hồng, môi trường xanh, sạch, an toàn thân thiện, đặc biệt là phải đảm bảo an toàn.
– PV: Với Ninh bình, địa phương có kế hoạch gì để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, đặc biệt, mang bản sắc riêng?
– Ông Trần Song Tùng: Chúng tôi luôn rất trăn trở, làm sao để Ninh Bình trở thành điểm đến không chỉ trong nước mà phải mang tầm quốc tế.
Chúng tôi ý thức được Ninh Bình sở hữu những giá trị thiên nhiên, văn hóa lịch sử của ông cha, thiên nhiên ban tặng. Chúng tôi lấy bản sắc riêng có là cố đô Hoa Lư – đất và con người cố đô Hoa Lư. Làm sao đó, mỗi người dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Khách đến hài lòng, được hưởng những gì tốt nhất theo thị hiếu của khách.
– PV: Trân trọng cám ơn ông!