Ý nghĩa của việc bao sái ban thờ
Vào các ngày mùng 1 và ngày Rằm hàng tháng trước khi biện lễ, thắp hương, cắm hoa, bày trái cây… người dân thường bao sái ban thờ sạch sẽ.
Bao sái ban thờ được hiểu là rút tỉa chân hương, lau dọn bát hương, đồ thờ cúng, làm sạch – thơm toàn bộ khu vực thờ cúng – việc này rất cần làm nhất là khi năm cũ sắp qua, Tết Nguyên đán sắp đến. Bình thường sau khi lễ Táo quân thì các gia đình sẽ chọn ngày phù hợp, thuận tiện để bao sái ban thờ.
Nhưng cuối năm việc bao sái ban thờ có ý nghĩa quan trọng hơn vì việc làm cho bát hương, ban thờ sạch sẽ, thoáng đãng, bày biện đồ mới… còn nhằm thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu chuẩn bị đón Gia tiên về “ăn Tết”.
Cách bao sái ban thờ
Chuẩn bị dụng cụ cho việc bao sái
Các bạn nên chuẩn bị khăn sạch, một chiếc khăn mới tinh chỉ để bao sái ban thờ.
Tiếp đến là chuẩn bị nước sạch, ngũ vị hương, gừng hoặc tinh dầu thơm để hòa cùng nước sạch dùng lau dọn, bao sái ban thờ.
Ngoài ra cần chổi, giấy lau, chậu nhỏ tất cả cũng cần phải sạch và mới để dành riêng cho việc bao sái.
Làm lễ, thắp hương xin phép
Trước khi bao sái và tỉa chân nhang, gia chủ nên chuẩn bị một mâm lễ nhỏ dâng lên. Khi lên hương, quý bạn thắp hương theo văn khấn để trình báo, xin phép trước khi tiến hành việc bao sái.
Lễ vật không cần quá cầu kỳ, nhiều hay ít không quan trọng bằng việc mình phải thật thành tâm và thể hiện lòng biết ơn, chân thành.
Thực hiện lau dọn, bao sái
Lau dọn ban thờ cần chú ý lau dọn từ trên cao xuống thấp, lau dọn nhẹ nhàng để tránh trầy xước, bay màu. Đặc biệt cần chú ý, tránh việc xê dịch các bức tượng, bát hương.
Quá trình rút chân nhang, tiến hành rút từng chút một cho tới khi số chân hương trong bát hương còn một số lẻ, thường sẽ để lại 3,5,7 hoặc 9 chân nhang.
Bát hương có nhiều tro thì nên gạt bớt bằng chổi nhẹ nhàng, sau đó dùng khăn sạch hoặc khăn ướt bao sái để lau dọn lại không gian ban thờ.
Sau khi bao sái, gia chủ sắp xếp lại đồ thờ cúng vào đúng vị trí như ban đầu.
* Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo.