Bảo hiểm xã hội VN nêu ba lý do chủ hộ kinh doanh bị thu bảo hiểm sai luật, trong đó có “chủ hộ sẽ không đăng ký cho cả hộ nếu bản thân không được tham gia”.
Đến tháng 9/2016, có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trong khi theo quy định họ không thuộc diện đóng. Có trường hợp đóng 20 năm nhưng không được tính hưởng lương hưu nên đã làm đơn khởi kiện cơ quan bảo hiểm xã hội ra tòa án.
Lý giải tình trạng này, trong thông cáo tối 16/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ ra ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, theo tinh thần của Bộ luật Lao động năm 1994, nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi hoạt động tạo ra việc làm hoặc tự tạo việc làm. Việc các chủ hộ kinh doanh cá thể tự tạo việc làm “rất đáng được khích lệ và một trong những điều kiện đó là chủ hộ phải được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp với tư cách như một người lao động (được đóng BHXH bắt buộc)”. Thời gian này chưa có chính sách BHXH tự nguyện.
Thứ hai là do nhu cầu của người lao động được tham gia đóng, hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Số đông chủ hộ tham gia BHXH bắt buộc là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, chủ hộ vừa là người sử dụng lao động vừa là người lao động, thông qua sản xuất kinh doanh mà có thu nhập, tiền lương. “Như vậy có thể coi là một dạng của hợp đồng lao động tự thỏa thuận, tự ký, nên chủ hộ tham gia đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT như người lao động”, thông cáo nêu.
Nguyên nhân cuối cùng, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam là “các chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ không đăng ký tham gia BHXH cho cả hộ nếu bản thân không được tham gia”.
Trong cả ba nguyên nhân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không chỉ ra trách nhiệm của cơ quan này mà giải thích phần nhiều do “tinh thần” của Bộ luật Lao động 1993, do chủ hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra việc thu BHXH bắt buộc không đúng đối tượng thuộc trách nhiệm của ngành BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chủ hộ kinh doanh.
“Những chủ hộ kinh doanh không sai vì họ có tinh thần đóng bảo hiểm. Cái sai thuộc về người thu bảo hiểm các địa phương. Song rất nhiều vướng mắc chưa được giải quyết như tiền đã thu nộp vào quỹ giờ trả cho người dân bằng cách nào, lấy tiền đâu để trả, trả thì tính thế nào và nếu họ không chấp nhận thì xử lý ra sao?”, đại diện Ban Dân nguyện đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Viết Lâm (TP Tuyên Quang), một trong những chủ hộ đã khởi kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang ra tòa án địa phương vào tháng 2/2022 do bị thu sai BHXH trong 20 năm. Ảnh: NVCC
Về hướng xử lý, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết từ năm 2003 đến nay, một số chủ hộ đủ điều kiện đã được hưởng các chế độ hưu trí, BHXH một lần. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được tính thời gian đóng, chưa được hưởng chế độ “do nhận thức chưa thống nhất về hộ kinh doanh tham gia BHXH”. Vì vậy năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các địa phương dừng thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể, đồng thời báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xin hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người đóng.
Đánh giá “việc thoái thu BHXH với chủ hộ kinh doanh sẽ rất phức tạp do họ không đồng thuận, ảnh hưởng quyền lợi”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Ban Dân nguyện thống nhất chủ trương đưa chủ hộ kinh doanh cá thể vào diện đóng BHXH bắt buộc và cho phép tính thời gian đã đóng để họ được hưởng chế độ theo nguyên tắc đóng – hưởng. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình Chính phủ ban hành nghị quyết tính thời gian đã đóng bắt buộc và tự nguyện (nếu có) với chủ hộ kinh doanh.
Ông Nguyễn Viết Lâm, chủ hộ kinh doanh cá thể ở Tuyên Quang vẫn đóng BHXH bắt buộc những năm 2017-2018, dù từ năm 2016 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các địa phương dừng thu với nhóm này. Ảnh: NVCC
Chính sách BHXH hiện chia hai loại hình bắt buộc và tự nguyện. BHXH bắt buộc dành cho khu vực có hợp đồng, giao kết mà người lao động lẫn chủ sử dụng phải tham gia. Lao động được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn ốm đau, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp.
BHXH tự nguyện dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Lao động có thể lựa chọn mức đóng theo quy định, được nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng và chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Theo quy định, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc. Họ là cá nhân hoặc một người trong hộ gia đình được các thành viên ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh, không có hợp đồng lao động với ai.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sắp được trình Chính phủ vào tháng 6 đề xuất chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng lương vào trong nhóm đóng BHXH bắt buộc. Tiền lương tính đóng BHXH với các nhóm này sẽ do người đó tự chọn, dao động 2-36 triệu đồng, sau một năm được chọn lại.
Hồng Chiêu