Sau đại dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng để sản xuất buộc phải cắt giảm nhân công lao động. Vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đang tăng nhanh chóng. Hơn bao giờ hết, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã trở thành “bạn đồng hành” cho người lao động (NLĐ) giúp NLĐ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, yên tâm trong thời gian đi tìm việc làm mới, góp phần ổn định chính sách an sinh xã hội.
BHTN chính là gói bảo hiểm để bảo đảm cho các quyền lợi mà NLĐ được hưởng khi thất nghiệp. Khi mất việc, NLĐ sẽ nhận được một khoản tiền mặt; ngoài ra, gói BHTN còn bao gồm cả bảo hiểm y tế cùng với đào tạo nghề trong quãng thời gian mà lao động chờ và đi tìm một công việc mới. Do đó, chính sách BHTN luôn đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng – hưởng. Đồng thời, việc triển khai thực hiện BHTN đảm bảo theo phương châm 3 đúng (đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn). Từ vai trò trên mà hiện nay BHTN thật sự trở thành điểm tựa của NLĐ và người sử dụng lao động, được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao.
Chị Trần Thị H. (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) là nhân viên một doanh nghiệp chế biến hải sản, tuy nhiên sau dịch bệnh đơn hàng bị cắt giảm, doanh nghiệp của chị phải cắt giảm nhân sự. Mất việc đồng nghĩa với việc mất đi khoản thu nhập cố định hàng tháng, trong khi những chi phí sinh hoạt của gia đình không hề giảm. Tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình cùng tiền học phí của các con trông chờ cả vào mức lương hơn 8 triệu đồng của chồng chị H..
Trung tâm Cần Thơ đã tiếp nhận 3.929 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Trong lúc mất việc, khó khăn, chưa thể tìm việc làm mới, chị H. đã quyết định làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. Với số tiền trợ cấp hơn 4 triệu đồng/tháng, đã giúp gia đình chị H. phần nào vơi bớt khó khăn trong lúc chị đang nỗ lực tìm việc làm mới.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.Cần Thơ, trong năm 2022 số người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 13.515 người tăng 22,01% so với cùng kỳ năm 2021 (11.077 người), số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao do năm 2022, dịch bệnh Covid-19 dần được khống chế, các hoạt động của thành phố Cần Thơ đã trở lại bình thường. Số lượng người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tập trung nhiều từ các khu công nghiệp, các ngành chế biến thủy sản, may mặc, giày da…..
Trung tâm Cần Thơ đã tiếp nhận 3.929 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong đó đã xử lý xong 2.958 hồ sơ, từ chối 590 số hồ sơ do không đủ thành phần hồ sơ, không có tháng đang đóng bảo hiểm thất nghiệp, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp … và đang xử lý 381 hồ sơ.
Số người lao động có quyết định hỗ trợ học nghề là 2.561 người tăng 21,54% so với cùng kỳ năm 2021 (2.107 người). Số người lao động được hỗ trợ học nghề tập trung chủ yếu tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ, Công ty TNHH giải pháp khoa học & công nghệ Nam Việt, Công ty TNHH Một thành viên dạy nghề Quý An, Doanh nghiệp tư nhân Trúc Quỳnh…. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 14 cơ sở đào tạo nghề nghiệp đã đăng ký tham gia dạy nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề đã đa dạng hóa ngành nghề, chương trình, thời gian đào tạo phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trung tâm thực hiện mô hình “Một điểm đến” để thực hiện tất cả các hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị như về kết nối nghề nghiệp, kết nối việc làm gắn kết với thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp với yêu cầu tạo thuận lợi tối đa, tạo sự gần gũi, cảm giác an tâm, thoải mái, giải quyết các nhu cầu của khách hàng về nghề nghiệp, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp hợp lòng người, nhưng đúng pháp luật, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Trung tâm Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối việc làm nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm và đạt kết quả theo kế hoạch, mục tiêu đã đề ra.
Đồng thời, cổng thông tin việc làm Cần Thơ thường xuyên đăng tải các văn bản quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới cho người lao động cập nhật, các biểu mẫu mới theo quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các khóa đào tạo nghề cho lao động tham khảo và lựa chọn. Bên cạnh đó, những quy trình, thủ tục quy định bảo hiểm thất nghiệp cũng được Trung tâm cập nhật thường xuyên.
Ngoài ra, Cổng thông tin việc làm Cần Thơ còn có chuyên mục hỏi – đáp, nhằm tư vấn việc làm, học nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, quan hệ lao động cho khách hàng có nhu cầu quan tâm.
Ngoài việc hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc của người lao động qua nhiều kênh thông tin miễn phí và nhanh chóng như: thư điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo, Cổng thông tin việc làm Cần Thơ thì tổng đài Call-center cũng là một kênh hỗ trợ lao động thất nghiệp xuyên suốt trong quá trình làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Với vai trò là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động, Trung tâm Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối việc làm nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm và đạt kết quả theo kế hoạch, mục tiêu đã đề ra, cụ thể: Vào ngày thứ Hai hàng tuần, Trung tâm tổ chức Ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng tại trụ sở hoạt động chính của Trung tâm và Văn phòng Giao dịch bảo hiểm thất nghiệp và việc làm ở tại quận, huyện thuộc thành phố. Trung tâm đã tổ chức được 37 Ngày gặp gỡ. Kết quả, Trung tâm đã tiếp nhận đăng ký tham gia của 2.847 lượt doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp và trực tuyến, thu hút 1.582 lượt người tham dự. Qua đó, đã tư vấn việc làm cho 1.232 lượt người và giới thiệu việc làm cho 368 lượt người.
Tổ chức 03 Điểm tư vấn việc làm, học nghề, kỹ năng: Vào các ngày 08/5/2022, ngày 09/7/2022 và 03/11/2022. Kết quả, Trung tâm đã tiếp nhận đăng ký tham gia của 243 lượt doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp và trực tuyến, thu hút 812 lượt người tham dự. Qua đó, đã tư vấn việc làm cho 363 lượt người và giới thiệu việc làm cho 17 lượt người.
Trung tâm đã phối hợp các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố lân cận tổ chức 03 Phiên vào các ngày 19/5/2022, ngày 25/8/2022 và ngày 17/11/2022. Phiên Giao dịch việc làm đã thu hút 2.951 lượt lao động tham dự, trong đó có 2.703 lượt người được tư vấn việc làm và 1.389 lượt người được giới thiệu việc làm.
Trong năm 2022, Trung tâm Cần Thơ và 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã tham gia dạy nghề cho người lao động theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp với khoảng 60 nghề khác nhau, giúp người lao động có nhiều nghề, nhiều cơ sở đào tạo để lựa chọn. Các nghề được người lao động lựa chọn đăng ký học nhiều là nấu ăn, pha chế thức uống, làm bánh, spa, làm chủ hệ thống bán hàng online….Để đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút, mời gọi người lao động tham gia học nghề, Trung tâm và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác chiêu sinh đào tạo nghề như: tờ rơi chiêu sinh các khóa đào tạo nghề, namecard, livestream trên mạng xã hội, viết báo về gương người lao động được hỗ trợ học nghề có việc làm và tự kinh doanh với nghề đã học.