Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC), hôm qua (8/6), Báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức Tọa đàm: “Giải báo chí toàn quốc PCTN,TC: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm”.
Báo chí ngày càng khẳng định vai trò quan trọng
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Dùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam – Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc PCTN,TC (Giải báo chí) lần thứ tư, năm 2022 – 2023 nêu rõ, trong những năm qua công tác đấu tranh PCTN,TC luôn được Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo triển khai rất quyết liệt với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Những kết quả bước đầu trong công tác PCTN,TC là hết sức quan trọng, đã tạo được niềm tin và sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, báo chí ngày càng khẳng định rõ vai trò và những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phát hiện, kiên trì đeo bám, phản ánh và đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, giúp cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sau ba lần tổ chức thành công, Giải báo chí toàn quốc PCTN,TC ngày càng khẳng định được uy tín, vị thế trong các giải báo chí toàn quốc, đồng thời thu hút được sự quan tâm, đánh giá cao và tham gia tích cực từ đông đảo cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua các mùa tổ chức, số lượng cơ quan báo chí, tác phẩm tham dự Giải đều tăng lên, nếu như Giải lần thứ nhất có 1.005 tác phẩm của gần 100 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương gửi tham dự thì đến Giải lần thứ ba, con số tác phẩm gửi tham dự Giải đã tăng lên 1.181 tác phẩm của các nhà báo, phóng viên thuộc hơn 115 cơ quan báo chí trong cả nước. Và điều quan trọng hơn là chất lượng Giải ngày càng được nâng lên. Tại mùa Giải lần thứ ba đã có Giải đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC trao tặng.
Ông Nguyễn Hữu Dùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc PCTN,TC lần thứ tư, năm 2022 – 2023.
“Giải báo chí toàn quốc PCTN,TC được xem như một phần thưởng, nguồn cổ vũ lớn đối với những người làm báo trong nỗ lực tấn công trực diện vào cái xấu, dũng cảm dám đối diện với cái sai và đi tới cùng sự thật. Chính nhờ những nỗ lực đó mà sau mỗi lần tổ chức, Giải báo chí lại tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt đã tạo được sự quan tâm và tham gia tích cực của các phóng viên cơ quan báo chí và nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh PCTN,TC của Đảng và Nhà nước” – ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Giải đánh giá, qua 3 mùa giải, các đề tài, vụ việc phanh phui tiêu cực xuất phát từ sự phát hiện qua điều tra của phóng viên (mà không phải dựa theo báo cáo thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng) ngày càng nhiều. Để thực hiện các đề tài điều tra độc lập này, các phóng viên phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu; đòi hỏi sự quyết tâm không chỉ từ các phóng viên, ý chí của Ban Biên tập, thậm chí cả ý chí của cơ quan chủ quản cơ quan báo chí… Nếu không có những sự quyết tâm này, rất có thể các đề tài sẽ phải dừng lại trong “trứng nước”.
Điều đặc biệt, với mùa giải thứ 4, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN,TC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là niềm cổ vũ, động viên khích lệ các phóng viên kiên trì theo đuổi các vụ điều tra. Cuốn sách cũng cổ vũ Ban Tổ chức Giải làm tốt hơn.
Kiên định trước sự mua chuộc, cám dỗ
Cho rằng, những nhà báo đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực phải chịu rất nhiều áp lực mà đôi khi không giãi bày được, nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đại Đoàn kết nhận định, nguy hiểm thường trực nhất là sự đe doạ và đối mặt với trả thù. “Điều này là đương nhiên, vì chống tham nhũng, tiêu cực là đã chọn cho mình việc làm nặng nhọc, nguy hiểm vì đụng chạm lợi ích những người “có máu mặt”. Tuy nhiên, vì bạn đọc, vì sứ mệnh của tờ báo, những người cầm bút nếu chỉ lựa chọn các tác phẩm bình bình thì chẳng ai nhớ đến mình. Tờ báo cứ “mũ ni che tai”, chọn cách an toàn trước thời cuộc thì chẳng ai tin nhà báo… Nghề báo là thư ký thời đại, phải ghi lại những gì nóng bỏng và góp phần thay đổi cái xấu, cải tạo xã hội” – ông Lê Anh Đạt nói.
Đến từ Hội Nhà báo Việt Nam, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Giải đánh giá, cái khó nhất đối với báo chí phòng, chống tiêu cực là có những lằn ranh, những vấn đề mà nhà báo khi điều tra không thể mang thẻ nhà báo ra để nói rằng: “Tôi đang hành nghề hợp pháp”. Thế nên, trước tiên, việc bảo vệ nhà báo tác nghiệp bắt đầu từ chính bản thân nhà báo. Bản thân mỗi người, khi chiến đấu trên một “mặt trận” nào đó, bao giờ cũng là người làm chủ hoàn cảnh và tự họ sẽ phải phân tích bằng trí tuệ, bản lĩnh, sự khôn khéo của mình để tự xác định vấn đề.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu tại Tọa đàm.
“Tôi nghĩ rằng, vai trò của cá nhân nhà báo là cốt lõi, bởi không ai có thể cứu mình bằng chính mình và điều đó đòi hỏi kiến thức, kỹ năng, sự tử tế. Một nhà báo tham gia vào cuộc đấu tranh PCTN,TC đừng nghĩ rằng kỹ năng nghề là số một mà cái tâm, cái đức mới là số một. Tự tâm, đức của mình sẽ tạo ra sự lan toả kết nối, sự ủng hộ, che chở. Và mục tiêu cuối cùng của những loạt bài điều tra là vì đất nước, vì nhân dân, vì xã hội phát triển bền vững, vì những gì gần gũi với tất cả chúng ta” – bà Hằng chia sẻ.
Vẫn theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, phẩm chất chính trị, đạo đức, những giá trị nguyên bản của người làm báo chính là công cụ tự bảo vệ họ trong công cuộc đấu tranh PCTN,TC. Báo chí là những lực lượng thúc đẩy sự tham gia và kết nối các lực lượng khác để cùng tham gia PCTN,TC; cùng tuyên truyền để nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của công cuộc này; nhìn thấy sự công khai, minh bạch, tinh thần và ý chí của toàn Đảng, toàn dân để làm sao tạo ra sự phát triển bền vững, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Bà Hằng nhấn mạnh, tầm vóc của Giải báo chí PCTN,TC không đơn thuần chỉ là tên một giải báo chí được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí đứng ra đồng tổ chức, ủng hộ, mà hơn hết, tầm vóc của Giải được xây bởi công sức lao động, cái tâm, cái tầm của những người làm báo Việt Nam. Những tác phẩm tham dự Giải và đại diện tinh tuý nhất là các tác phẩm đoạt giải đã thể hiện vai trò của báo chí trong giám sát, phản biện xã hội.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng kỳ vọng, từ nay đến thời hạn cuối nhận bài dự thi (ngày 31/8/2023), các cơ quan phối hợp cũng như các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên tiếp tục lan tỏa nội dung, thông điệp về việc tổ chức Giải báo chí toàn quốc PCTN,TC lần thứ tư, năm 2022 – 2023 với mong muốn mùa Giải lần thứ tư này sẽ được nâng lên cả về số lượng, chất lượng các tác phẩm báo chí so với 3 mùa Giải trước.
Giải Báo chí toàn quốc PCTN,TC lần thứ tư, năm 2022 – 2023 được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, chính thức phát động từ ngày 13/11/2021. Sau 3 năm, Giải ngày càng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và các tầng lớp nhân dân. Thông qua các tác phẩm dự giải cho thấy các nhà báo và cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phát hiện, đeo bám để đi đến cùng một số vụ việc PCTN,TC.
Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo điện tử Dân Việt), khó khăn lớn nhất của các nhà báo khi đối diện với tham nhũng, tiêu cực chính là sự kiên định. “Chúng tôi luôn tin “ma bao giờ cũng sợ người” và các tuyến bài điều tra chống tiêu cực phải đối mặt với rất nhiều thế lực… Một Tổng Biên tập đã từng nói với tôi rằng, nếu các anh chị tiết lộ phóng viên nào đang làm một vụ việc điều tra để trục lợi cá nhân, thì các anh chị đang bán rẻ máu của đồng nghiệp mình. Do đó, tính quyết liệt, sự kiên định, sự tự bảo vệ mình của nhà báo trong quá trình thực hiện các loạt bài chống tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng… Nhà báo phải tránh xa sự “mua chuộc”, bởi đã thoả hiệp được một lần thì sẽ có lần thứ 2 và “n” lần sau, mà lần sau bao giờ sự thoả hiệp cũng nguy hiểm hơn lần trước” – nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.