Ngành xây dựng Nhật Bản sử dụng khoảng 40% tài nguyên trong tổng thể các ngành công nghiệp và tạo ra khoảng 20% chất thải. Do đó tìm kiếm những giải pháp tối ưu hóa luôn là quan tâm hàng đầu của họ.
Một bãi đỗ xe làm từ nhựa đường tái sử dụng. Ảnh: Maeda group
Nhìn lại năm 2022, những vấn đề lớn như chiến sự tại Ukraine, đại dịch COVID-19 và sự mất giá của đồng yen đã khiến thị trường vật liệu xây dựng tăng giá, ngành xây dựng Nhật gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu và nhận thầu mới.
Tình hình quốc tế về nhu cầu bảo đảm an ninh tài nguyên và tự chủ tài nguyên cũng đang được sự chú ý ở mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong ngành xây dựng tại đây.
Cải thiện chất lượng tái chế
Khi ứng dụng kinh tế tuần hoàn, lĩnh vực mà các công ty xây dựng Nhật Bản có thể tự cải thiện nhanh chóng là xử lý, phân loại và tái sử dụng rác thải ở giai đoạn thi công và tiết kiệm năng lượng tại các công trường.
Bên cạnh đó, họ thúc đẩy ứng dụng Mô hình hóa thông tin công trình (BIM/CIM) nhằm giảm đầu vào tiêu thụ tài nguyên, giảm chất thải. Tăng cường sử dụng vật liệu tái chế như bê tông và vật liệu gỗ, triển khai các thiết kế có tính ứng dụng cao như ít sử dụng chất kết dính, dễ lắp đặt và tháo dỡ khi thi công nhưng có tuổi thọ cao hơn.
Tuy nhiên, xu hướng hiện tại thì họ vẫn ưu tiên tái sử dụng hơn là tái chế, thiết kế nâng cao tuổi thọ hơn là thiết kế để thi công tháo dỡ dễ dàng. Bởi xây dựng không phải là ngành sản xuất hàng loạt bán lẻ mà là sản xuất theo gói thầu thực hiện từng dự án.
Đơn vị thiết kế và thi công khó có thể thực hiện các biện pháp như tái sử dụng hoặc tái chế nếu không có lợi về chi phí cho chủ đầu tư dự án.
Trong lĩnh vực nhà dân dụng và công nghiệp, kinh tế tuần hoàn thúc đẩy những giải pháp sử dụng các tòa nhà, ngôi nhà năng lượng bằng 0, tạo môi trường xanh.
Nhật Bản cũng đang hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng tái chế trong tương lai khi tỉ lệ tái chế chất thải xây dựng đã bước vào giai đoạn duy trì và ổn định.
Điển hình như Tập đoàn xây dựng Maeda đã nghiên cứu cách tái chế nhựa đường và bê tông qua sử dụng thành nhựa đường tái chế có thể sử dụng.
Ngoài ra, họ còn có các biện pháp hạn chế chất thải nhựa và xây dựng hệ thống kết nối phù hợp để tư nhân hoặc Nhà nước đều có thể tái sử dụng hiệu quả đất phát sinh trong xây dựng khi có nhu cầu.
Cũng có những vấn đề sẽ cần được giải quyết. Thứ nhất, sự cân bằng cung – cầu của vật liệu tái chế có thể sụp đổ trong tương lai. Nhựa đường tái sử dụng được tạo ra với số lượng lớn, nhưng trong tương lai, dự kiến việc làm mới những con đường sẽ ít hơn nên có khả năng sự mất cân bằng trong sử dụng vật liệu tái chế sẽ phá vỡ cân bằng cung – cầu và khiến việc tái chế không thể thực hiện.
Điểm thứ hai, vật liệu tái tạo và tái sử dụng từ đất ô nhiễm khó có thể tái sử dụng do không tương thích với các tiêu chuẩn môi trường hiện tại. Đó là chưa kể toàn bộ chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn do các doanh nghiệp thay đổi liên tục, quy mô các doanh nghiệp không đồng đều…
Vòng tròn tái sử dụng nhựa đường đã áp dụng trên thực tế. Ảnh: Maeda group
Chúng ta có thể làm gì?
Trước hết, ngành xây dựng ở Việt Nam có thể ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong ý tưởng thiết kế cung ứng trong xây dựng: thiết kế mô đun, chú trọng độ bền cao, thiết kế để lắp đặt tháo dỡ dễ dàng, hạn chế dùng chất phụ gia và tăng sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu xanh.
Thứ nữa là thực hiện các biện pháp về tái sử dụng, tái tạo vật liệu như giảm rác thải công nghiệp và tổng lượng khí thải trong giai đoạn thi công; đặt ra các quy định có các mức cơ bản để giảm chất thải như phân loại rác thải tại công trường, tăng tái chế nhựa phế thải…
Thứ ba là thúc đẩy việc sử dụng các bảng kê khai xử lý rác điện tử, hợp lý hóa và đơn giản hóa các hoạt động quản lý thông tin về chất thải.
Qua đó có thể kết nối những đơn vị xử lý rác ở gần và rẻ hơn, giảm chi phí vận chuyển, giảm lượng khí thải CO2 và kiểm tra tính minh bạch khi xử lý rác thải thông qua hồ sơ điện tử.
Cùng với đó, chúng ta cũng cần có chính sách về xử lý đất ô nhiễm, ngăn chặn sự lây lan ô nhiễm sang các khu vực xung quanh công trường và có biện pháp xử lý, tái sử dụng phù hợp với luật môi trường hiện hành.
Kinh tế tuần hoàn là gì?
Mô hình kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn – Đồ họa: LÊ LONG, T.ĐẠT – Dữ liệu: ENV.GO.JP
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế dựa trên tổ hợp sáng kiến 5R (Recycle – tái chế, Reuse – tái sử dụng, Reduce – giảm thiểu, Re-furbish – làm mới, Re-Manufacturing – tái sản xuất), đồng thời hạn chế lượng đầu vào tài nguyên tiêu thụ, sử dụng hiệu quả hàng tồn kho…
Mục đích của kinh tế tuần hoàn là tối đa hóa giá trị sản phẩm, giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên và ngăn ngừa phát sinh chất thải. Kinh tế tuần hoàn là khái niệm “đối đầu” với khái niệm “kinh tế tuyến tính” vốn có quy trình từ sản xuất đến loại bỏ chất thải theo một chiều.