Đổi đời
Cũng như nhiều nông dân khác trên địa bàn tỉnh, anh Đinh Đức Toàn (làng Ku Ton, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, Gia Lai) từng điêu đứng khi cây hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt.
Sau bài học đắt giá, gia đình anh rút ra được nhiều kinh nghiệm để canh tác nông nghiệp bền vững. Anh Toàn cho biết: “Năm 2017, toàn bộ diện tích hồ tiêu của gia đình bị nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt. Nguồn thu nhập chính không còn, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Để vực lại kinh tế, ngoài việc tập trung tái canh 2 ha cà phê, tôi trồng thêm chanh dây nhằm lấy ngắn nuôi dài”.
Với hơn 6 ha chanh dây, năm nay, gia đình anh Đinh Đức Toàn (làng Ku Ton, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) thu về trên 3 tỷ đồng (ảnh: Quang Tấn).
Lúc mới chuyển sang trồng chanh dây, anh Toàn cũng gặp khó khăn do chưa nắm được quy trình kỹ thuật, thuộc tính của cây trồng. Tuy nhiên, nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào trồng, chăm sóc, vườn chanh dây của anh ngày càng xanh tốt, năng suất tăng cao qua từng vụ.
Theo đó, ngoài áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp bón phân, anh còn chú trọng quản lý sâu bệnh hại bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học cũng như ưu tiên sử dụng phân hữu cơ để giữ ổn định cho vườn cây.
Nhờ đó, năm nay, hơn 6 ha chanh dây đã cho thu hoạch 2 đợt, với giá bán dao động 14-22 ngàn đồng/kg, gia đình anh thu về trên 3 tỷ đồng.
“Mỗi vụ chanh dây trung bình cho thu hoạch khoảng 4 đợt. Với giá bán như hiện nay, tôi lãi 500-600 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần so với trồng cà phê. Lợi nhuận từ cây chanh dây không thua bất kỳ loại cây trồng nào ngoài cây sầu riêng. Nếu không có gì thay đổi, năm tới, tôi tiếp tục trồng khoảng 6 ha chanh dây”-anh Toàn phấn khởi cho hay.
Cũng theo anh Toàn, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp mã số vùng trồng. Nếu được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm chanh dây sẽ được xuất đi Trung Quốc với giá bán cao hơn khoảng 7 ngàn đồng/kg so với giá chanh thường.
Vườn sầu riêng tiền tỷ
Đến thôn 6 (xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), hỏi nhà anh “Thiện sầu riêng” thì ai cũng biết. Từng là một trong những người trồng hồ tiêu có tiếng ở Chư Sê, có thời điểm, mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Phước Thiện thu được gần 20 tấn tiêu khô. Tuy nhiên, vì lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất khiến vườn cây của gia đình anh bị suy kiệt và chết dần.
Anh Thiện kể: “Đến năm 2017, giá hồ tiêu bắt đầu giảm mạnh, trong khi vườn cây thì chết dần chết mòn, thu không đủ bù chi nên tôi chuyển dần sang trồng sầu riêng.
Rút kinh nghiệm từ cây hồ tiêu, tôi chọn canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ bền vững. Quá trình trồng và chăm sóc, tôi sử dụng phân bón hữu cơ (tự ủ từ phân chuồng, vỏ cà phê và các chế phẩm sinh học) kết hợp dùng thuốc trừ sâu sinh học. Bên cạnh đó, tôi sử dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho toàn bộ 5 ha sầu riêng của gia đình”.
Anh Thiện, tỷ phú nông dân thôn 6 (xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) bên vườn sầu riêng của gia đình (ảnh: Quang Tấn).
Nhờ vậy, vườn sầu riêng của gia đình anh Thiện sinh trưởng, phát triển rất tốt, cho năng suất cao.
Điển hình, vụ vừa rồi, với 860 cây sầu riêng, trong đó có 700 cây mới bước vào thu bói đã đem về cho anh lợi nhuận gần 2 tỷ đồng.
“Bây giờ làm cây gì cũng phải chú trọng đến tiêu chí sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới được thị trường đón nhận. Làm nông nghiệp sạch không những bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người tiêu dùng. Như vụ vừa rồi, thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao, mình không cần tốn công thu hoạch, chỉ cân ký rồi tính tiền” – anh Thiện phấn khởi nói.
Đất khó cho quả ngọt
Gia đình cựu chiến binh Lại Quang Huấn (làng Ia Chă Wău) là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi diện tích mía sang trồng cây ăn quả trên vùng đất khó Chư A Thai, huyện Phú Thiện.
Nhờ vậy, gia đình ông nhanh chóng có của ăn của để, con cái được ăn học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định.
Ông Huấn kể: “Năm 2016, giá mía xuống thấp, thu không đủ bù đắp chi phí đầu tư, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Qua nhiều lần tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng nhãn từ đồng đội ở miền Tây Nam Bộ, tôi quyết định mua giống về trồng thử nghiệm.
Cây nhãn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên sinh trưởng, phát triển tốt. Vì vậy, tôi đã chuyển hơn 6 ha mía sang trồng 2.000 cây nhãn và trồng thêm 250 cây xoài Úc. Còn lại khoảng 5 ha đất, tôi đào ao nuôi cá, trồng lúa nước và cỏ để nuôi bò, dê”.
Ông Huấn, tỷ phú nông dân xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) trong quá trình trồng nhãn có thể ép cho nhãn ra hoa theo ý mình nên luôn bán được giá cao (ảnh: Quang Tấn).
Bên cạnh học hỏi kinh nghiệm từ các đồng đội, ông Huấn cũng thường xuyên mày mò, nghiên cứu kỹ thuật trồng cây ăn quả, nhất là cây nhãn để ép cây ra quả trái vụ.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ông áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, tận dụng nguồn phân chuồng để bón cho cây. Đồng thời, ông áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho toàn bộ vườn cây ăn quả. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nhãn, xoài của gia đình ông luôn đạt cao, được thị trường ưa chuộng, thương lái tìm đến tận vườn để thu mua.
Ông Huấn vui vẻ cho hay: “Hiện tại, sản phẩm trái cây của tôi đã được các thị trường lớn như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định… đón nhận. Với giá bán bình quân 25-30 ngàn đồng/kg nhãn, 10 ngàn đồng/kg xoài Úc, chỉ riêng vườn cây ăn quả đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm”.