Chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Mỹ và Canada thường rất đắt đỏ, muốn có học bổng, ứng viên cần biết cách làm nổi bật hồ sơ và câu chuyện của mình.
Các chương trình thạc sĩ ở Mỹ, Canada hàng năm đều dành khoảng 40% suất cho sinh viên quốc tế nhằm tăng cường tính đa dạng (diversity). Nhiều trường khuyến khích bằng cách cấp học bổng từ 10.000 đến 200.000 USD (230 triệu – 4,6 tỷ đồng) cho ứng viên nước ngoài.
Để giành được các suất học bổng này, theo Phạm Mai Anh, thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại William & Mary, sáng lập mạng lưới tư vấn giáo dục AceMentorship, Mỹ, các ứng viên cần tập trung làm tốt cả ba khâu khi ứng tuyển: xây dựng hồ sơ, bài luận và các bài thi chuẩn hóa.
Phạm Mai Anh tại California, tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Làm nổi bật hồ sơ cá nhân
Bộ hồ sơ ứng tuyển vào chương trình thạc sĩ MBA ở Mỹ và Canada đều yêu cầu bản lý lịch cá nhân (thường giới hạn trong một trang). Bản lý lịch bao gồm thông tin về học vấn, kinh nghiệm đi làm (hoặc nghiên cứu) và các thông tin hoạt động ngoại khóa (ví dụ: hoạt động tình nguyện, sở thích).
Dù chỉ một trang nhưng đó là thông tin đầu tiên mà hội đồng tuyển sinh xem, quyết định việc họ có muốn đọc kỹ hơn hồ sơ của ứng viên hay không.
Để làm nổi bật hồ sơ, những ứng viên còn đi học nên cố gắng giành thành tích học tập tốt nhất có thể. Đạt bằng Giỏi, giành học bổng trong thời gian này sẽ giúp các bạn tăng lợi thế. Những người đã tốt nghiệp, đi làm thì có thể kiếm điểm cộng nếu được làm cho các dự án thú vị, có tầm ảnh hưởng và thể hiện tính lãnh đạo. Trong hồ sơ, ứng viên cần làm nổi bật các kết quả, thành tựu đạt được ở mỗi vị trí.
Ngoài ra, ứng viên nên tham gia hoạt động ngoại khóa như làm tình nguyện viên hay tham gia các cuộc thi marathon. Những thông tin đó có thể làm tăng tính cạnh tranh của bộ hồ sơ, nhất là với ai muốn nộp vào các trường top 20 về đào tạo MBA.
Gần đây, một ứng viên do tôi hướng dẫn được nhận vào University of California, Los Angeles, thuộc top 15 đã đưa kinh nghiệm làm tình nguyện viên ở châu Phi vào bộ hồ sơ của mình. Một bạn khác trúng tuyển University of California, Berkeley, thuộc top 10 thì kể về trải nghiệm cắm trại ở Annapurna, Nepal.
Kể một câu chuyện hoàn chỉnh trong bài luận
Bài luận (essays) là một phần bắt buộc và đóng trọng số lớn trong bộ hồ sơ ứng tuyển, quyết định liệu bạn có được nhận và được trao học bổng của trường không. Câu hỏi trong bài luận thường đa dạng nhưng phần cốt lõi nhất vẫn là để giúp trường hiểu sâu hơn về con người, con đường và mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên.
Rất nhiều người mà tôi gặp thường viết bài luận như một bản lý lịch kéo dài, kể lể từng công việc theo thời gian. Điều này rất sai lầm. Tất nhiên, bạn vẫn nên lồng ghép các thông tin vào bài luận nhưng cần phải chọn lọc chi tiết để tổng thể bài luận là một câu chuyện hoàn chỉnh về quá khứ, hiện tại và con đường tương lai của bạn.
Một ứng viên nhận học bổng toàn phần từ Emory University (top 25) mà tôi biết đã kể về quyết định từ bỏ công việc với mức lương cao ở ngân hàng để khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế, mong muốn cung cấp những sản phẩm có giá thành phải chăng. Bài luận của một ứng viên khác trúng tuyển Carnegie Mellon University (top 15) thì kể về thời gian du học tại Nga, vượt qua các khó khăn về bất đồng ngôn ngữ để hoàn thành xuất sắc khóa học. Qua đó, ứng viên này làm nổi bật tinh thần “Never give up” (Không bao giờ bỏ cuộc).
Thi chứng chỉ IELTS và GMAT
Để nộp các chương trình MBA nói riêng và chương trình thạc sĩ nói chung ở Mỹ, Canada, ứng viên cần có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL iBT hoặc IELTS. Chứng chỉ này có thể được miễn với những ai học trường quốc tế dạy bằng tiếng Anh hoàn toàn, hoặc đã tốt nghiệp đại học ở nước ngoài. Mức điểm yêu cầu là TOEFL iBT 100 điểm trở lên hoặc IELTS từ 7.0 trở lên.
Một bài thi chuẩn hóa khác mà ứng viên nên chuẩn bị là GMAT hoặc GRE. Trước Covid-19, đây là bài thi bắt buộc để nộp hồ sơ vào các chương trình thạc sĩ ở Mỹ hay Canada, nhưng hiện nhiều trường không còn yêu cầu. Tuy nhiên, để trúng tuyển mà không cần GMAT, hồ sơ và kinh nghiệm của ứng viên phải thật xuất sắc.
Theo tôi thì có chứng chỉ GMAT hay GRE trong bộ hồ sơ vẫn được đánh giá cao, tạo lợi thế cho những ứng viên muốn vào trường top 50 về đào tạo MBA trở lên hoặc muốn có học bổng cao. Rất nhiều bạn có mức điểm GMAT 700+ cùng với việc chuẩn bị hồ sơ bài bản mà tôi biết nhận học bổng từ 80-100%.
Phạm Mai Anh