Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho đối tác nước ngoài.
Ngay phiên khai mạc, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về kết quả thực kiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết ngoài chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, còn có thêm một chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 25,5-25,8%. Đáng lưu ý, cả 2 chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng.
Thu ngân sách vượt 28,6% so với dự toán, phản ánh dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa, là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.
Thêm vào đó, việc quá chú trọng kiểm soát lạm phát cũng khiến lãi suất tăng trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện chậm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, diễn biến tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ quý 4/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Tăng trưởng GDP quý 1/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn.
Một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp, xuất khẩu chính của cả tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Các động lực chính của tăng trưởng đều giảm và trên đà suy yếu như xuất khẩu, thu hút giải ngân vốn đầu tư, sản xuất công nghiệp.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đánh giá sức khỏe doanh nghiệp đang giảm sút. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường giảm so với cùng kỳ trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho đối tác nước ngoài. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, thu ngân sách 4 tháng ước giảm 6,9% cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 rất chậm so với yêu cầu, vẫn còn 92/111 quy hoạch, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như Quy hoạch năng lượng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của nhiều địa phương… chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt.
Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm.
Mặt bằng lãi suất cho vay vẫm ở mức cao, tín dụng tăng thấp cho thấy khó khăn trong hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Kênh huy động vốn qua cổ phiếu và phát hành trái phiếu gặp khó khăn. Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày báo cáo trước đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, cho biết GDP quý 1 duy trì đà tăng nhưng thấp, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.
Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, trong đó lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7% so với cuối năm 2022; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm; thanh toán không dùng tiền mặt đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý 1/2023 đạt 3,32% thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Ngoài lý do khách quan, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận, sự suy giảm trên do những nguyên nhân chủ quan đến từ yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách ở một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai.