Báo cáo tài chính riêng năm 2022 được kiểm toán bởi KPMG của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ghi nhận nhiều con số đáng chú ý.
Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Agribank đạt 1,873 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với cuối năm 2021 (1,694 triệu tỷ đồng).
Tổng tiền gửi khách hàng đạt 1,627 triệu tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2021 (1,545 triệu tỷ đồng).
Agribank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 17.680 tỷ đồng, tăng mạnh 51,4% so với năm 2021 (11.674 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Agribank đạt trên 1,443 triệu tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối 2021 (1,314 triệu tỷ đồng).
Phân theo đối tượng khách hàng và theo loại hình doanh nghiệp, Agribank cho vay nhiều nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp va fthuyr sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; buôn bán, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động làm thuê công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất, dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình…
Dư nợ cho vay khách hàng tính đến ngày 31/12/2022 của Agribank đạt 1,44 triệu tỷ đồng.
Trong cơ cấu dư nợ cho vay khách hàng, chiếm phần lớn là 1,438 triệu tỷ đồng được Agribank cho vay tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước.
Đáng chú ý, theo thuyết minh tại báo cáo tài chính riêng năm 2022 của Agribank, giá trị tài sản thế chấp là bất động sản mà ngân hàng nắm giữ đến cuối năm 2022 đạt 2,289 triệu tỷ đồng; cao gấp gần 1,6 lần so với tổng dư nợ cho vay (1,443 triệu tỷ đồng) và chiếm 90,5% tổng giá trị tài sản thế chấp tại ngân hàng.
Agribank cũng là ngân hàng duy nhất trong hệ thống nắm giữ số tài sản thế chấp bằng bất động sản vượt 2 triệu tỷ đồng.
Như vậy, cứ mỗi đồng cho vay tại Agribank được đảm bảo bởi 1,6 đồng tài sản thế chấp là bất động sản.
Bất động sản thế chấp ở ngân hàng bao gồm đất đai, nhà ở, nhà xưởng, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, các tài sản gắn liền với công trình xây dựng. Đó có thể là các tài sản hiện có, cũng có thể là các tài sản hình thành trong tương lai (tức là các tài sản hình thành trong và sau thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp) như lợi tức thu được từ sử dụng bất động sản, tài sản hình thành từ vốn vay, công trình xây dựng trong tương lai.
Ôm lượng lớn bất động sản thế chấp như vậy, trên thực tế, trong thời gian qua, Agribank là một trong những ngân hàng tích cực rao bán bất động sản để thu hồi nợ. Đồng thời, số dư nợ xấu tại nhà băng này luôn ở vị trí ‘quán quân’.
Cụ thể, tính đến 31/12/2022, tổng nợ xấu tại Agribank vào khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm đến 73% nợ xấu với 19.000 tỷ đồng.