Trao giá trị sống cho những mảnh đời kém may mắn

Biên phòng – Đồng cảm với những hoàn cảnh phụ nữ kém may mắn, chị Mai Thị Dung (ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng CORMIS) đã cùng các cộng sự thực hiện dự án giúp phụ nữ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Có nhiều chị em không chỉ kiếm được việc làm, mà còn trở nên tự tin hơn, tiếp cận với công nghệ hiện đại, làm những điều mà trước đó bản thân họ chưa hề nghĩ đến.


Chị Đặng Thị Tuyết Trinh tập làm quen với máy tính để quản lý hoạt động quảng bá, bán hàng của nhóm. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Tự tin để hòa nhập

Bước qua tuổi 40, chị Đặng Thị Tuyết Trinh (ở tổ 38, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) chưa hề nghĩ, có ngày mình ngồi trước chiếc máy tính laptop để đọc thông tin, tìm hiểu những điều mình muốn. Chị Trinh bị khuyết tật vận động, cơ thể của chị nhỏ bé hơn rất nhiều so với người bình thường, việc đi lại khó khăn. Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, trước đây, chị làm ở xưởng mây tre.

“Tôi học hết lớp 6, do thường xuyên ốm đau, đi lại khó khăn nên nghỉ học giữa chừng. Để kiếm sống, tôi xin vào làm ở xưởng mây tre. Công việc làm mây tre khá vất vả, thu nhập thấp. Từ năm 2019 đến nay, tôi được giới thiệu vào làm ở dự án của chị Mai Thị Dung. Tôi được hướng dẫn theo nghề may, ban đầu, phải học từng tí một, nay đã có thể may thêu được khá nhiều mẫu mã. Tôi rất vui vì ở đây học hỏi được nhiều kỹ năng và là lần đầu tiên tôi được tiếp cận với một chiếc máy tính và tìm hiểu về các thông tin không còn cảm thấy tự ti nữa. Dù môn học này với tôi rất khó, nhưng tôi thấy rất vui” – chị Trinh bộc bạch.

Chị Đặng Thị Bé (50 tuổi, ở phường Mân Thái) bị liệt 2 chân, phải ngồi xe lăn vì di chứng sau trận ốm nặng khi vừa tròn 2 tuổi. Thế giới của chị Bé suốt ngày chỉ quanh quẩn trong căn phòng nhỏ, gian bếp và khoảng sân. Cuộc sống của chị chủ yếu dựa vào sự đùm bọc của gia đình anh trai. Càng lớn, nỗi buồn trong chị càng hằn sâu. Rồi chị tập tành nghề may, mua chiếc máy may nhỏ và làm quen thêm vài người bạn cùng cảnh ngộ. “Hồi đó, tôi chủ yếu may ở nhà, thi thoảng ra quán, có mấy chị em cùng cảnh ngộ để làm việc. Có đi ra ngoài nhưng tôi tự ti lắm, luôn nghĩ mình khiếm khuyết không làm được gì” – chị Bé nói.

Năm trước, chị Bé tham gia nhóm hòa nhập cộng đồng của chị Dung, không chỉ may vá, chị còn học được nhiều thứ như kỹ năng viết nhật ký sau mỗi ngày làm việc, nói lời cảm ơn… Chị bảo, công việc hàng ngày mình cứ làm, không ghi lại, mọi thứ cứ trôi qua như thế và nhiều lúc thấy mình chán nản. Khi cầm bút ghi lại thì mới nhận ra rằng, à thì ra hôm nay mình đã làm tốt hơn hôm qua, rồi từ đó có thêm động lực phấn đấu. Tự tin hơn, chị Bé mua hẳn một chiếc xe gắn máy ba bánh để tham gia các hoạt động giao lưu. Giờ đây, ai cũng thấy nụ cười của chị rạng ngời hơn, cởi mở hơn.

Và trong mỗi câu chuyện kể, chúng tôi đều cảm nhận được sự biết ơn của chị Đặng Thị Bé, Đặng Thị Tuyết Trinh đối với chị Mai Thị Dung. Chứng kiến những việc làm và cuộc sống của các chị, chúng tôi hiểu được vì sao lại như thế. Những việc mà Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng CORMIS đã làm như ánh sáng dẫn dắt người khuyết tật từ cuộc sống tẻ nhạt, buồn bã, tự ti đến tự tin hòa nhập cuộc sống, làm việc để nuôi sống bản thân và làm những việc có ích. Từ những người phụ nữ rụt rè, luôn thu mình lại trước đám đông, nay họ đã tự tin, mạnh dạn hơn và làm chủ cuộc sống.

Trao đi giá trị cuộc sống

Chia sẻ về những gì mình đang làm, chị Mai Thị Dung cho biết, đã hơn 10 năm hỗ trợ nhóm yếu thế cộng đồng, nhiều giải pháp đưa ra và chị nhận thấy các phần quà thực tế chỉ giúp họ vượt qua khó khăn trong một thời điểm. Muốn thay đổi cuộc sống của họ thì không chỉ trao “con cá” mà cần đưa đến cho họ “cần câu” như đào tạo việc làm, trao cho họ công việc và giúp họ rèn luyện thêm các kỹ năng để hòa nhập.


Chị Mai Thị Dung (thứ 2 từ phải sang) trong một lần cùng chị em khuyết tật tham gia các hội chợ để giới thiệu các sản phẩm mà mình tự làm ra. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Với suy nghĩ như thế nên khi Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng CORMIS, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng được thành lập, chị Mai Thị Dung được chọn làm quản lý dự án. Sau những nỗ lực, chị đã vận động được nhiều phụ nữ khuyết tật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đăng kí tham gia. Công việc của các hội viên là tái chế các loại vải phế thải chất lượng cao từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho ra các sản phẩm mới như khăn tay, túi vải, quần áo, túi xách… Và chính các đối tác này hỗ trợ tiêu thụ. Để có nguồn nguyên liệu duy trì hoạt động lâu dài, chị tìm đến các tiệm may ở thành phố Hội An xin vải thừa. Từ nguồn vải này, chị em dự án làm ra nhiều sản phẩm lưu niệm đa dạng như túi xách, túi đựng laptop, dây buộc tóc, vỏ gối… Đã có hơn 300 ngàn sản phẩm được làm ra trong suốt 4 năm qua, kể từ khi dự án bắt đầu.

Không chỉ chăm lo vật chất, chị Dung còn tổ chức nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe tinh thần cho các hội viên. Nhiều chương trình được tổ chức như tập yoga, thư giãn, nói lời cảm ơn, viết nhật ký để nhận thấy sự thay đổi hàng ngày của mình… Với phương châm hiểu và thương, chị Dung xây dựng các hoạt động hướng đến sống hạnh phúc cho chị em khuyết tật. “Nhiều phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Với họ, hạnh phúc là điều gì đó xa vời lắm. Những suy nghĩ về hoàn cảnh éo le nếu kéo dài sẽ dễ khiến họ mệt mỏi, tự ti… Từ đó, tôi đưa vào hoạt động tập thay đổi các thói quen đơn giản để họ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, yêu hơn những phần khiếm khuyết của cơ thể mình” – chị Dung nói.

Gần 5 năm lặng thầm với những công việc đồng hành với phụ nữ khuyết tật, chị Dung luôn mong muốn làm mọi việc, cốt sao có thể giúp được nhiều mảnh đời thiệt thòi, đem lại cho họ niềm vui, sự tự tin và đương nhiên một phần nào đó thu nhập cải thiện cuộc sống. Nhận lại từ chị em một nụ cười, chị cùng cộng sự của CORMIS thấy hạnh phúc vì biết rằng việc làm của mình có ý nghĩa.

Dự án hỗ trợ cho người yếu thế nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng tại thành phố Đà Nẵng do chị Mai Thị Dung phụ trách có 13 thành viên. Sau hơn 1 năm hoạt động, các chị em không chỉ tìm được việc làm có thu nhập ổn định, mà còn được học hỏi thêm nhiều kỹ năng như tiếp cận công nghệ thông tin, học được nghề may vá, thêu thùa và nhiều kỹ năng sống khác. Đến nay, ngoài nhóm phụ nữ khuyết tật ở thành phố Đà Nẵng, hiện có thêm 2 nhóm ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi với hơn 20 chị tham gia.

Trúc Hà