Ca nhiễm Covid-19 gia tăng, bất động sản lại lo chậm tiến độ

Dự án khởi động sau nhiều năm đắp chiếu

Theo ghi nhận của PV, khoảng 4 tháng đầu năm nay, nhiều dự án bất động sản được khởi động, bao gồm cả dự án nhà ở và các dự án chức năng. Kỳ vọng, khi những dự án này đủ điều kiện mở bán sẽ giúp hạ nhiệt tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Ca nhiễm Covid-19 gia tăng, bất động sản lại lo chậm tiến độ 1

Dự án Làng Giáo dục Quốc tế rục rịch triển khai sau hơn chục năm đắp chiếu

Một trong những dự án kể đến như Dự án Làng Giáo dục Quốc tế của Công ty Cổ phần đầu tư Thiên Hương, nằm trên địa bàn phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Giao thông, dự án này dự kiến khởi công từ những năm 2010. Thế nhưng, suốt 12 năm nay, rơi vào tình trạng chậm tiến độ, bỏ hoang. Mới đây, khi thị trường khan hiếm nguồn cung, ảm đạm thì dự án này lại có dấu hiệu khởi động lại. Cửa dự án mở, bên trong tập kết nhiều máy móc xây dựng, đào bới, san lấp.

Thông tin về dự án này hiện nay chưa nhiều, nhưng theo quy hoạch năm 2010, tổng diện tích trong quy hoạch chi tiết Làng Giáo dục Quốc tế được công bố vào khoảng 31,6ha và được giới thiệu là có thể đáp ứng quy mô 3.000 học sinh. Trong đó, đất xây dựng trường học là 64.620m2; đất xây dựng công trình công cộng dịch vụ có diện tích 15.270m2. Ngoài ra, còn 138.600m2 để xây dựng nhà ở cho thuê phục vụ giáo viên và gia đình học sinh.

Cách đó không xa, hơn 400 căn hộ tại tòa chung cư Moonlight 1, Dự án An Lạc Green Symphony cũng vừa được đưa ra thị trường. Diện tích căn hộ từ 66,42 – 94,88m2, giá bán dự kiến từ 50 triệu đồng/m2. Nằm cạnh đường Trịnh Văn Bô, đoạn qua cầu vượt Xuân Phương, Trung tâm dạy nghề Cửu Long, một trong những hạng mục hạ tầng xã hội cũng đã được triển khai ép cọc sau khi dời danh sách chậm triển khai.

Đáng quan tâm nữa là 4 dự án tại quận Thanh Xuân vừa được TP Hà Nội phê duyệt gồm: Khu đô thị mới Phùng Khoang, trên địa bàn phường Nhân Chính, quy mô sử dụng đất gần 0,6ha; Khu đô thị mới Hạ Đình, quy mô sử dụng đất 1,2ha; dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc ô đất A12 – Nguyễn Xiển, phường Kim Giang 1,5ha; Trung tâm thương mại, văn phòng làm việc và nhà ở để bán tại phường Hạ Đình với tổng diện tích khu đất xây dựng dự án là 2.329m2.

Khó khăn của thị trường BĐS Hà Nội vẫn cận kề

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có 219 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đang triển khai theo Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Công ty CBRE dự kiến, trong năm 2023, có khoảng 14.000 – 16.000 căn hộ được mở bán.

Dẫu vậy, các chuyên gia của CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn đang đối mặt với thách thức. Thách thức về kinh tế vĩ mô, kéo theo sự trì hoãn các đợt mở bán của một số dự án, cũng như tiến độ thi công của những dự án hiện hữu sẽ bị ảnh hưởng.

Nằm trong khó khăn, chủ đầu tư một doanh nghiệp bất động sản tại Hoàng Mai chia sẻ, mặc dù doanh nghiệp của ông không gặp vướng mắc về tài chính, nhưng vẫn chịu những tác động gián tiếp, khiến cho dự án bị gián đoạn.

Vị này dẫn chứng, việc Trung Quốc, quốc gia được ví như công xưởng thế giới thực hiện chính sách Zero Covid thời gian trước, đã tác động đến việc nhập khẩu máy móc. Trong điều kiện bình thường, nhập một lô thang máy chỉ mất 3 – 4 tháng, thì nay, thời gian này mất gần 1 năm. Trong khoảng thời gian máy móc chưa về, dự án không thể thi công được.

Hay như việc các nhà thầu gặp khó khăn, phải “giật gấu vá vai”, co kéo nguồn lực kinh tế, con người. Lượng công nhân giảm sút, lại phải phân tán cho nhiều công trình dẫn đến tiến độ chậm. Dù không nợ nhà thầu, nhưng doanh nghiệp của ông vẫn phải cùng chịu trận. Trước những thông tin về diễn biến mới của dịch Covid-19, ông lo ngại, lại một lần nữa tác động không tốt đến tiến độ thi công dự án bất động sản.