Những ngày giữa tháng 4, anh Nguyễn Quang Đức (phường Quảng Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đang tất bật chăm sóc cho vườn vú sữa hoàng kim chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới.
Dù không phải vụ chính nhưng nhìn vườn trái cây đã chín vàng, căng mọng, anh Đức nhẩm tính, đợt thu hoạch này anh cũng gom được khoảng 3 tấn quả.
Vườn vú sữa của anh Nguyễn Quang Đức đang vào vụ thu hoạch (Ảnh: Đặng Dương).
6 năm trước, vườn tiêu của gia đình anh Đức bị bệnh và chết. Thấy vú sữa hoàng kim có giá, anh Đức quyết định bỏ trồng tiêu để trồng vú sữa. Thời điểm này, anh Đức đang kinh doanh một vườn ươm, chuyên cung cấp giống cây ăn trái cho người dân trong vùng.
Tưởng chừng “kinh nghiệm đầy mình” trong việc chọn giống nên anh nông dân trẻ đầu tư hơn 100 triệu đồng để nhập giống vú sữa từ miền Tây về trồng. Thế nhưng, 3 năm sau khi trồng, phần lớn cây giống đã chết hoặc không phát triển, nhiều cây không cho trái.
Anh Đức từng thất bại với vú sữa vì mua phải cây giống kém chất lượng (Ảnh: Đặng Dương).
Bỏ ra số tiền lớn nhưng 3 năm sau vẫn chưa thu được quả ngọt, anh Đức tìm hiểu ra mới biết mình mua phải nguồn giống không đạt chuẩn. Phần lớn cây giống được chiết, ghép từ cây bố mẹ kém chất lượng nên khi trồng, tỷ lệ cây sống rất thấp và hầu như không cho trái khi đến tuổi.
Sau lần thất bại này, anh Đức vẫn quyết tâm trồng vú sữa hoàng kim, với 500 cây giống được mua từ Đài Loan.
Bên cạnh lựa chọn kỹ nguồn cây giống, chủ nhân vườn vú sữa hoàng kim còn đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động và áp dụng phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho vườn cây rộng khoảng 1,5ha của mình.
Vú sữa thường bị ruồi vàng hoặc sâu đục thân tấn công nên anh Đức phải bọc từng quả (Ảnh: Đặng Dương).
Anh Đức cho biết thêm: “Từ 500 cây giống ban đầu, tôi tiếp tục nhân giống để mở rộng diện tích. Sau 18 tháng trồng và chăm sóc, toàn bộ vú sữa đã cho thu hoạch. Hiện vườn vú sữa của tôi cho thu hoạch 5 – 7 đợt/năm, trong đó 3 đợt thu chính có sản lượng 10 tấn/ha, những đợt thu phụ dao động 2,5 – 3 tấn/ha. Với sản lượng này, vườn vú sữa của tôi có thể là vườn năng suất nhất tại địa phương”.
Anh Đức nhẩm tính, vào thời điểm này, giá bán của vú sữa hoàng kim kích thước lớn khoảng 45.000 -50.000 đồng/kg, còn loại nhỏ là 20.000 – 25.000 đồng/kg. Với giá bán này, mỗi năm anh có thu nhập khoảng 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.
Vú sữa hoàng kim kích thước lớn hiện có giá khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg (Ảnh: Đặng Dương).
Chia sẻ về cách chăm sóc vườn vú sữa của mình, anh Đức cho hay, toàn bộ phân bón cho cây là phân bón hữu cơ, chế từ vỏ cà phê.
Ngoài ra, vú sữa thường bị ruồi vàng hoặc sâu đục thân tấn công nên ngoài việc bọc quả, anh còn sử dụng chế phẩm sinh học từ tỏi và rượu để phun cho cây.
“Trong vườn vú sữa, tôi cũng lắp đặt nhiều bẫy sinh học để bắt côn trùng gây hại. Đặc biệt, tôi phun dung dịch từ tỏi và rượu, không những diệt côn trùng hiệu quả mà còn bảo đảm trái cây an toàn cho người tiêu dùng”, anh Đức chia sẻ.
Vườn vú sữa của anh Đức tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập hơn 7 triệu đồng/người/tháng (Ảnh: Đặng Dương).
Để cây trồng đạt năng suất cao nhất, anh Đức cho rằng nguồn nước vẫn là yếu tố quyết định. Do vườn vú sữa được trồng trên địa hình đất đồi dốc nên anh lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, đặt ngay gốc cây. Chất dinh dưỡng được bổ sung thông qua nguồn nước, giúp cây hấp thụ tối đa nhất.
“Mỗi đợt cây ra hoa và kết quả, tôi đều loại bỏ đi rất nhiều hoa và quả non, mỗi cành chỉ giữ lại số lượng trái nhất định để quả to, đều, đạt chất lượng tốt nhất”, anh Đức chia sẻ thêm.
Được biết, với mô hình trồng vú sữa theo hướng hữu cơ, mỗi năm anh thu nhập hàng trăm triệu đồng, sau khi trừ hết các chi phí sản xuất. Mô hình này còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, với thu nhập khoảng 7,5 triệu đồng/ tháng/ người.