Tư vấn kiểu trù ẻo
Chị Lê Thị Hậu, 37 tuổi, ở quận 4, TPHCM cho biết, bản thân chị không kỳ thị bảo hiểm nhân thọ. Thực tế, gia đình chị cũng mua một vài gói bảo hiểm để phòng thân. Tuy vậy, bản thân chị đã phải trải nghiệm rất nhiều điều không hay ho, nếu không muốn nói là rất ức chế về nhân viên bảo hiểm.
Vào năm 2019, ngày đầy tháng con trai chị, một người bạn cũ đã nhiều năm không gặp bất ngờ đến tận nhà chúc mừng. Khách đến nhà không báo trước, chị Hậu không khỏi ngạc nhiên cho đến khi biết mục đích thật sự của chuyến viếng thăm.
Nhiều bà mẹ ức chế khi con vừa chào đời đã bị nhân viên bảo hiểm nhân thọ chèo kéo (Ảnh minh họa).
Sau khi chào hỏi vài câu qua loa, người bạn này bắt đầu nói về sức khỏe, kế hoạch bảo vệ, tích lũy cho con, giải pháp dự phòng… trước khi giới thiệu cho chị Hậu những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Trong khi tư vấn, người này không ngừng nhắc đến rủi ro, gia đình người có người tai nạn hay chết thì sẽ được thụ hưởng chế độ thế này thế kia.
Chị Hậu khó chịu, nói không có nhu cầu thì người bạn là nhân viên công ty bảo hiểm chuyển chủ đề sang con trai mới đầy tháng của chị. Người này tư vấn mà chẳng khác nào trù ẻo đứa bé mới chào đời rằng, nếu sau này có ốm đau hay xảy ra chuyện xấu nhất cũng sẽ được bảo hiểm bảo vệ, chi trả.
Tính hay cả nể, ngại đụng chạm, chị Hậu tiếc nuối vì lúc đó mình không đuổi thẳng tư vấn viên bảo hiểm đó mà chịu ấm ức ngồi nghe cho qua chuyện. Sau hôm đó, người bạn này liên tục nhắn tin năn nỉ chị Hậu tham gia bảo hiểm và khi nghe từ chối thì quay hù dọa kiểu “đừng để đến khi có chuyện thì hối hận”, “khi có chuyện không ai ngoài bảo hiểm giúp được mình”…
Vào trang cá nhân người bạn này, chị Hậu thấy các nội dung, bài viết đúng phong cách của rất nhiều người bán bảo hiểm khác, cùng kiểu tư vấn nặc mùi đạo lý, dạy đời, phê phán và cả dọa dẫm, trù ẻo.
“Mỗi lần chia sẻ khoảnh khắc của con nhỏ lên mạng, kể cả con khi mới chào đời, tôi hãi nhất là các nhân viên bảo hiểm vào mời gọi “Bảo vệ ngay cho con chị ơi”, “Con hay mình có chuyện gì cũng sẽ được bảo vệ”…”, chị Ngọc Hà, ở quận Tân Bình, TPHCM trải lòng.
Chị Hậu trải lòng, chị ít khi nghĩ xấu về người khác nhưng không thoải mái khi tiếp xúc với những người bán bảo hiểm nhân thọ.
Nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ trù ẻo khi bán hàng không phải chuyện hiếm gặp. Từ trong cách tư vấn, thuyết phục, giảng giải, không ít nhân viên bán bảo hiểm khai thác các thông tin tiêu cực để “dồn ép” khách hàng.
Anh Trần Đức Vinh, ở Tân Bình, TPHCM cho hay, anh cũng nhiều phen bực mình với các nhân viên bán bảo hiểm. Giới thiệu tư vấn kiểu trù ẻo như mai mốt anh, người thân trong gia đình ung thư hay “một ngày ra khỏi nhà mãi mãi không quay về”… là kiểu gặp thường xuyên.
Phần nào hiểu tính chất của bảo hiểm nhân thọ gắn liền ý nghĩa chia sẻ rủi ro, tai nạn nhưng theo anh Vinh, nhiều nhân viên bảo hiểm tiếp cận tư vấn phản cảm với thái độ dọa dẫm. Bảo hiểm, an toàn đâu chưa thấy, toàn thấy đe dọa, trù ẻo thì bất an đã ở ngay trước mắt.
“Tôi từng biết một cô em bán bảo hiểm, thường xuyên chụp, lấy hình ảnh người bị tai nạn máu me trên đường phố hoặc người bị ung thư rồi đăng lên Facebook. Cả không biết người ta là ai cũng tỏ vẻ xót xa “giá như có bảo hiểm”, rồi còn kiểu hù “nếu một ngày chúng ta thế này, xin đừng kêu than”, anh Vinh ngán ngẩm.
Cách bán hàng rất… lạ lùng!
Là dân kinh doanh nhưng khi nói về cách thức tư vấn của nhiều nhân bảo hiểm nhân thọ, chị Lê Thùy Linh, ở Gò Vấp, TPHCM thốt lên: “Họ có cách bán hàng rất lạ lùng!”.
Từ hù dọa, trù ẻo, những nhân viên bán bảo hiểm còn rất hay dạy đời, chê bai, sỉ nhục khách hàng. Chưa kể, đi bán hàng nghĩa là mình cần khách hàng mà nội dung trao đổi thì như đang ban ơn cho người khác.
Đôi lần chị trả lời những mời mọc chèo kéo của nhân viên bảo hiểm bằng câu trả lời “không” thì ngay lập tức… được dạy dỗ. Nào là “ấu trĩ”, nào là “không chịu tiếp thu”, chẳng ai mà không cần bảo hiểm, rồi đưa chuyện tai nạn, chết chóc ra “dằn mặt” kiểu “sau này hối không kịp”.
Thái độ cần nhất trong bán hàng là tôn trọng khách hàng (Ảnh minh họa).
Lúc đầu, khi mới tiếp xúc với một vài nhân viên bán bảo hiểm, chị Linh nghĩ do cá nhân người đó. Nhưng, gần đây chị nhận thấy cách thức tiếp cận phản cảm của nhân viên bảo hiểm từ phong cách, ngôn ngữ và cả hình thức bên ngoài mang tính nhất quán, hệ thống.
“Tôi có người bạn thất nghiệp, nợ nần ‘ngập đầu’ nhưng từ khi đi bán bảo hiểm thì suốt ngày rao giảng như kiểu trao ‘giải pháp tài chính tốt nhất’. Rất hài hước!. Nhân viên bảo hiểm bên ngoài khác, khi phô ra với mọi người thì khác rất giống các mô hình đa cấp”, chị Lê Thùy Linh.
Theo chị Linh, bảo hiểm nhân thọ cũng là một sản phẩm, nếu cứ bán hàng một cách bình thường, khiêm tốn, tôn trọng khách hàng, đừng rao giảng, tô vẽ, thổi phồng thì sẽ không gây ác cảm cho mọi người nhiều đến vậy.
Nhiều người chủ động chọn nghề bảo hiểm, cũng có người thất nghiệp đi bán bảo điểm hay có người làm thêm… Suy cho cùng, môi giới bảo hiểm nhân thọ cũng là công việc như nhiều ngành nghề khác, bản chất là mưu sinh nhưng không ít nhân viên bán bảo hiểm đứng ở tâm thế ban phát, cho mình quyền phán xét người khác.
Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết, đoàn luật sư TPHCM cho rằng, trước hết các doanh nghiệp bảo hiểm khi đào tạo nhân sự cần cương quyết bỏ ngay suy nghĩ ban ơn cho khách hàng, mang lại giá trị cuộc sống tốt đẹp cho họ. Chính nhân viên bảo hiểm phải hiểu khách hàng đang mang lại cuộc sống tốt đẹp cho mình, là “nồi cơm” của mình nên phải trân trọng, thật lòng và làm người mua hài lòng.
Đừng vì hoa hồng mà lừa dối khách hàng
Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết chia sẻ, bà có rất nhiều người bạn, người chị là tư vấn viên bảo hiểm. Họ có kiến thức, trình độ, được tập huấn kỹ và hơn hết là họ có cái tâm làm nghề, không ăn gian nói dối, chế độ sao thì tư vấn như vậy, không bỏ khách hàng giữa chừng.
Tuy nhiên, theo bà Tuyết, vì phát triển nhân lực ồ ạt theo hướng “huy động quan hệ” mà các công ty bảo hiểm phổ biến chấp nhận “nạp” nhiều tư vấn viên hoặc là không có trình độ hoặc là để bán được có hoa hồng mà lừa dối, tư vấn sai… Nữ luật sư từng tư vấn cho nhiều trường hợp thân chủ “bị lừa” khi tham gia bảo hiểm, chính là những khách hàng không được tư vấn kỹ lưỡng về được – mất của mình khi tham gia bảo hiểm một cách rõ ràng.