Nhanh ngồi “ghế sếp”
Theo khảo sát năm 2023 của Tổng cục thống kê, Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng. Trong đó, thế hệ Millennials (25 – 38 tuổi) và thế hệ Gen Z (18-24 tuổi) hay gọi chung là Millennials-Z hiện đang chiếm 47% dân số cả nước (tương đương 45 triệu người) đang là nhân tố đóng góp chính cho thị trường lao động.
Thực tế cũng cho thấy, thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1996 đến năm 2010) hiện đã bắt đầu đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo hoặc trở thành những người khởi nghiệp. Khi thế hệ này gia nhập vào thị trường lao động đã có vô vàn tranh cãi xung quanh tính cách “trội”, những quan điểm sống, năng lực và kĩ năng khác biệt thế hệ đi trước (Gen Y)…
Và khi lực lượng lao động này trở thành những nhân sự ở cấp bậc quản lý, với nhân viên dưới quyền có tuổi đời thậm chí có thể gấp đôi, phản hồi sẽ như thế nào?
Hiện nay, thế hệ GenZ đang trở thành nhân tố chính trong thị trường lao động Việt Nam (Nguồn ảnh: Pexels)
Anh Trung Kiên (37 tuổi, làm việc tại công ty dược phẩm TPHCM) chia sẻ: “Mình đang hợp tác với một bạn leader (trưởng nhóm – PV) sinh năm 1998. Điều đầu tiên mình nhận thấy là lứa nhân sự các bạn đã làm thay đổi hoàn toàn khái niệm “lãnh đạo”.
Mình làm việc với các sếp là anh chị lớn tuổi hơn, mọi người sẽ có tâm lý chỉ đạo, ra lệnh và khiển trách. Còn các sếp trẻ giờ thường chủ động làm bạn với cấp dưới. Họ rất muốn và luôn có tâm thế chủ động kết nối, cảm thông và linh hoạt hơn với công việc, cuộc sống của nhân sự”.
Anh Thanh Gian (29 tuổi, nhân viên thiết kế) đồng ý rằng, phong cách làm việc khác biệt là điều dễ nhận diện nhất của các lãnh đạo trẻ tuổi hiện nay. Tuy nhiên anh chia sẻ, ban đầu khi nhận ra môi trường làm việc giờ xuất hiện rất nhiều sếp trẻ, thậm chí có người thua mình gần chục tuổi, dù bản thân chưa qua 30, anh khá bất ngờ và ái ngại.
“Mình không hiểu tại sao các bạn vừa mới ra trường lại ‘bật cóc’ nhanh đến thế, chưa đầy một năm đã chễm chệ ở chức quản lý, phó trưởng bộ phận… Biết là không thể đánh giá năng lực mỗi người dựa trên tuổi tác, tuy nhiên khi quan sát kĩ xung quanh, ở đâu cũng toàn ‘sếp trẻ’, mình cũng hơi nghi ngại khi làm việc cùng. Năng lực, kĩ năng mình không bàn tới, nhưng kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, lãnh đạo rõ ràng cần thời gian để tích lũy, đúc kết”.
Nhiều nhân sự chia sẻ về tình huống bản thân nhỏ tuổi hơn rất nhiều so với các sếp hiện nay (Nguồn ảnh: Pexels).
Khác với anh Thanh Gian, chị Thanh Thanh (28 tuổi) nói rằng, hiện tại lứa Gen Z là “người bản địa số”, họ là nhóm người sinh ra và lớn lên cùng công nghệ, nên học hỏi, cập nhật và phát triển rất nhanh. Đang ở thời công nghệ số, tất nhiên những ai làm chủ được cuộc chơi sẽ là lãnh đạo, dẫn đội làm việc.
“Chưa kể, các bạn Gen Z bây giờ rất bạo dạn trong việc khởi nghiệp, ít người chấp nhận cuộc sống văn phòng, làm công ăn lương ổn định như thế hệ đi trước. Những nam nữ thanh niên tuổi mới ngoài đôi mươi lập dự án riêng, mở công ty và tự làm sếp rất nhiều”.
Chấp nhận quy tắc cấp trên – cấp dưới
Chị Ái Nga (32 tuổi, nhân viên kinh doanh) cho hay mới chuyển qua công ty mới và leader chỉ 25 tuổi. Sếp trẻ chỉ quan trọng kết quả mà không để tâm nhiều đến quá trình.
“Dù doanh số mình mang về chưa tốt nhưng quá trình nỗ lực cũng phải được ghi nhận và xem xét để đánh giá đúng năng lực. Lắng nghe nhân sự quả là khái niệm rất xa lạ với sếp trẻ”, chị Nga thở dài.
Đồng ý với chị Ái Nga, anh Trường Nguyễn (28 tuổi, nhân viên kinh doanh) cho rằng các sếp trẻ bây giờ thiếu kĩ năng lắng nghe và cảm thông. Kinh nghiệm quản lý đầu việc có, nhưng quản lí con người thì vẫn gặp nhiều hạn chế.
Việc một người quản lý nhỏ tuổi hơn gây ra nhiều chuyện chốn công sở (Nguồn ảnh: Pexels).
Ngược lại, anh Trung Kiên, một 8X đời đầu tiết lộ, bản thân từng làm việc khá nhiều với các bạn leader thế hệ 9X cũng như Gen Z. Và sau vài năm, anh đánh giá rất cao các leader trẻ tuổi vì sự nhiệt huyết của họ dành cho công việc.
“Nếu gặp vấn đề và cần trao đổi ngay, họ sẵn sàng nói chuyện với bạn vào lúc 1-2h sáng, thậm chí còn hỗ trợ bạn ngay trong đêm để kịp tiến độ chung. Về mặt trở ngại, mình nghĩ chắc là phương cách xử lý công việc. Khi gặp phải vấn đề mình thường xử lý theo kinh nghiệm bản thân, họ lại muốn chia sẻ chung và đòi hỏi được biết mọi thứ. Vì vậy đôi lúc không phù hợp cách làm việc dẫn đến tranh cãi”.
Áp lực tâm trí của “sếp trẻ”
Vì “tuổi đời, tuổi nghề” còn non và được phát triển ở môi trường khác với các thế hệ trước nên tư duy làm việc và quan điểm sống, cách thiết lập, duy trì các mối quan hệ của Gen Z cũng khác hoàn toàn. Trở thành người lãnh đạo, giữ vai trò cốt cán chịu trách nhiệm chung, các sếp trẻ tuổi cũng mang trong mình rất nhiều áp lực.
Chị Thúy Phan (24 tuổi đang giữ vị trí quản lý bộ phận của một công ty thương mại điện tử) chia sẻ: “Quản lý các bạn nhỏ tuổi hơn thì họ sẽ lắng nghe cấp trên giao việc, nếu gấp cũng sẵn sàng chạy kịp tiến độ nhưng với anh chị lớn tuổi hơn mình, họ phản ứng vô cùng gay gắt, có khi từ chối hẳn nếu mình không tạo cho họ một tâm lý thoải mái”.
Chị Thùy Trâm (25 tuổi, quản lý nội dung truyền thông) cũng đồng tình, với cấp dưới là người lớn tuổi hơn cần kìm nén hơn nhiều. “Khi giao việc với cấp dưới lớn tuổi, áp lực kìm nén cảm xúc lớn hơn nhiều áp lực deadline. Các cấp dưới lớn tuổi hơn không chấp nhận sai và rất khó tiếp nhận góp ý tích cực. Hơn nữa họ luôn có rất nhiều lí do để không đúng deadline như gia đình, con cái…”
Là một quản lý trẻ tuổi, chị Trâm chia sẻ sự chịu đựng lớn nhất là kìm nén cảm xúc để công việc trở nên thuận lợi hơn (Ảnh: NVCC).
Anh Huy Hoàng (25 tuổi, ngành truyền thông giải trí) chia sẻ chuyện cấp dưới lớn tuổi khó nghe lệnh mình là đương nhiên.
“Vì mình nhỏ tuổi nên mọi người chắc chắn sẽ nghi ngờ năng lực, mình cứ lao vào hành động để chứng minh thôi. Khi cho ra những con số thực tế, mọi người ắt hẳn sẽ bị thuyết phục.
Cách mình quản lý nhân sự lớn tuổi hơn là cố gắng tương tác liên tục với họ, để biết họ đang gặp khó khăn gì, đưa giải pháp kịp lúc, điều chỉnh mọi người đi theo đúng đường ray sẽ củng cố niềm tin của nhân sự với mình” – Hoàng chia sẻ.