Dồn lực cho dự án Dung Quất 2, doanh nghiệp của tỉ phú Trần Đình Long vẫn chưa thoát cảnh thua lỗ

Mặc dù giá thép và sản lượng bán hàng ghi nhận bật tăng trở lại cùng kế hoạch mở cửa các lò cao nhưng Hòa Phát vẫn thua lỗ quý thứ 3 liên tiếp, tình hình này có thể kéo dài hết nửa đầu năm nay.

SSI Research vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 1/2023 của 32 doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Trong đó, hơn nửa số doanh nghiệp được dự phóng lãi tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, lợi nhuận của 2 ông lớn ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Hoa Sen được dự báo tiếp tục suy giảm, mặc dù giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua.

Mặc dù giá thép và sản lượng bán hàng ghi nhận bật tăng trở lại nhưng Hòa Phát vẫn có thể thua lỗ quý thứ 3 liên tiếp

SSI Research đánh giá, nhu cầu thép có thể tiếp tục suy yếu ở cả kênh xuất khẩu và nội địa, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi 1% lên 1,8 tỉ tấn vào năm 2023, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022. Cụ thể, nhu cầu ở cả thị trường Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ giảm trong năm tới do suy thoái kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu tại thị trường ASEAN dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023, sau khi tăng trưởng 4-6% trong năm 2022.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang các đối tác thương mại lâu năm vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng công suất trong những năm gần đây ở các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, và Philippines. Theo đó, SSI dự báo xuất khẩu thép thành phẩm có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ trong năm 2023.

Giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn có thể giúp ổn định lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm 2023. Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60-75% (so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021), điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỉ suất lợi nhuận của công ty trong năm tới.

Ngoài ra, khoảng cách giá thép giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỉ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020-2021.

Với Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), SSI đánh giá doanh nghiệp này vẫn có thể ghi nhận lỗ trong quý 1/2023, so với mức lợi nhuận dương 8.200 tỉ đồng trong quý 1 năm trước. Tuy nhiên, mức lỗ có thể ít hơn nhiều so với mức lỗ của hai quý liền trước nhờ sự hồi phục của giá thép.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc công suất hoạt động tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu thị trường suy yếu. Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng HRC và phôi thép của Hòa Phát giảm 37% xuống còn 1,37 triệu tấn trong quý 1/2023, tương đương với mức công suất hoạt động là 65% so với 100% trong quý 1/2022 và 70% trong quý 4/2022.

Do thị trường chung đang diễn biến kém khả quan, SSI Research cũng điều chỉnh giảm 5,5% ước tính doanh thu cho quý 1/2023 của Hòa Phát xuống 41.634 tỉ đồng, đồng thời lợi nhuận ròng của công ty dự kiến giảm xuống mức thấp là 2.010 tỉ đồng, giảm 75,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự với Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), theo ước tính của ban lãnh đạo, lợi nhuận của Hoa Sen đã có sự hồi phục khả quan kể từ tháng 2 và có thể đạt 50 tỉ đồng trong quý 2 niên độ tài chính năm 2023 nhờ giá thép phục hồi. Tuy nhiên, so với kết quả trong quý 2 niên độ tài chính năm 2022, mức lợi nhuận trong quý vừa qua vẫn có thể giảm hơn 70%.

Theo đó, SSI dự báo doanh thu của Hoa Sen sẽ đạt 11.565 tỉ đồng, giảm 31,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận ròng dự kiến tăng nhẹ 4,8% so với quý 1 năm trước, khoảng 607 tỉ đồng.

“Vua thép” Hòa Phát đang thế chấp ngân hàng những tài sản gì? Ai là chủ nợ lớn nhất?