Thời điểm này, miền Tây đang vào mùa khô. Đây cũng là lúc nghề thu hoạch mật ong vào mùa nhộn nhịp. Ghi nhận tại rừng tràm trong Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), nông dân tất bật khai thác những tổ ong mật hoa tràm.
“Người nhện” trèo cây lấy mật ong tràm.
Hành trình băng rừng lần theo dấu ong của “người nhện”
7h sáng anh Dương Kha Ly (46 tuổi) nông dân ngụ cư nổi tiếng với khả năng leo cây nhanh thoăn thoắt, có nhiều năm kinh nghiệm gác kèo ong (ăn ong – PV) dắt đội thợ cùng đi theo lấy mật.
Sau nhiều giờ di chuyển từ xuồng rồi cuốc bộ len lỏi xuyên qua rừng thân tràm chằng chịt dây leo mới đến được nơi có dấu vết ong rừng. Chỉ tay về phía tổ ong, anh Ly nói: “Tổ này hơi nhỏ chắc lấy được khoảng nửa lít mật”.
“Người nhện” băng rừng, đu cây lấy mật ong (Clip: Bảo Kỳ).
Ong mật làm tổ ở những ngọn cây cao.
Đồ nghề của người lấy mật rất thô sơ, gồm mũ trùm kín bảo vệ mặt, con dao, can và xô nhựa chứa mật.
Vừa nói, anh Ly vừa nhanh chóng bám gốc cây có tổ ong, thoăn thoắt leo lên ngọn cây, dùng bình xịt khói liên tục vào tổ ong. Đàn ong say khói túa ra, bay loạn xạ. Lúc này người đàn ông bắt đầu dùng dao cắt từng khúc mật trên kèo ong nhưng vẫn chừa lại một miếng khoảng 5cm. Anh bảo chỗ này để cho ong làm tổ mới.
Hàng nghìn con ong làm tổ trên nhánh cây gòn.
Theo kinh nghiệm của anh Ly, để tìm thấy tổ ong giữa rừng cây bạt ngàn, người đi lấy mật phải có khả năng quan sát đặc biệt, đôi mắt tinh anh và phán đoán chính xác.
Khu vực ong mật làm tổ, bên dưới thường có những lùm sậy nhìn theo hướng ong bay. Những cây to có nhiều nhánh nằm ngang, nơi ấy ắt sẽ có ong đến.
Anh Ly đốt vỏ xơ dừa trong bình xịt khói. Thiết bị này giúp hạn chế nguy cơ gây cháy rừng.
“Khi đi lấy mật phải đi hướng từ trong kèo ong (nơi ong đậu làm tổ – PV) đi ra, tuyệt đối không đi từ ngoài đầu kèo vào vì như vậy ong bị động ổ sẽ bay ra tấn công người”, anh nông dân tiết lộ.
Theo anh Ly, nghề lấy mật ong rừng cực kỳ vất vả, nguy hiểm, phải có sức khỏe và thạo leo trèo, không sợ độ cao. Những tai nạn nghề nghiệp như ong đốt, kiến cắn, gặp rắn độc khi đi rừng là chuyện như cơm bữa.
Đàn ong say khói bay tán loạn vì vỡ tổ.
Đến mùa thu hoạch mật, anh Ly dễ dàng kiếm hơn 1 triệu đồng/ngày.
Sinh kế cho người giữ rừng
Trong ngày đi rừng hôm ấy, nhóm thợ ong của anh Ly gặp ông Tăng Văn Lợi đang hì hục lấy tổ ong ở một nhánh rừng khác. Ông Lợi cho biết, năm nay nhuận 2 tháng hai nên lượng ong mật về làm tổ chưa đông như mọi năm.
Ong có thời gian xây tổ và làm mật rất nhanh, chỉ sau 20 ngày làm tổ là có thể khai thác được mật. Tuy nhiên, để mật đạt chất lượng tốt nhất thì phải đợi hơn 30 ngày.
“Vào mùa thu hoạch mật ong tôi có thể ‘săn’ được 2-3 lít mỗi ngày. Giá mật ong khoảng 600.000 đồng/lít, chúng tôi có thu nhập trang trải qua ngày. Hết mùa lấy mật, nông dân như chúng tôi chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi”, ông Lợi cho hay.
Anh Văn Sỹ (du khách ở Bạc Liêu) lần đầu trải nghiệm cùng nông dân đi rừng ‘săn’ mật ong bày tỏ sự thích thú cũng như thán phục trước tài nghệ của thợ ong trong Lung Ngọc Hoàng.
Những người chuyên lấy mật ong rừng như anh Ly, ông Lợi luôn tâm niệm phải cân bằng giữa giữ rừng và nuôi mật.
Từng người được Khu bảo tồn giao khoán diện tích rừng riêng nên luôn ý thức trong việc bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sinh kế của mình và gia đình. Đến mùa lấy mật ong, hầu hết người nhận khoán đều túc trực canh vì lo người bên ngoài lẻn vào trộm mật ong, gây cháy rừng.
Mật ong rừng tại đây có giá khoảng 600.000 đồng/lít.
Người dân sống trong Lung có thu nhập nhờ nghề gác kèo ong.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Bé Em – Trưởng phòng Khoa học và Bảo Tồn cho biết, 1.400ha rừng tràm được giao khoán cho 56 hộ dân sinh sống trong Lung Ngọc Hoàng trông coi và thu hoa lợi của khoảng 2.500 kèo ong.
“Nông dân được khai thác mật ong dưới sự kiểm soát của Khu bảo tồn. Người dân sẽ có thêm nguồn thu nhập từ mật ong rừng, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Hoạt động này được triển khai từ năm 2020 và rất có hiệu quả”, ông Bé Em nói thêm.